Đi 50km tự chuẩn bị phần mộ cho mình
Vào một sáng đẹp trời, bà Lê Thị Bích Hường (sinh năm 1948, tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tự cầm lái di chuyển gần 50 cây số đến Công viên tâm linh Lạc Hồng Viên (Kỳ Sơn, Hòa Bình) - nơi bà đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng cho “ngôi nhà” mà sau này bà sẽ yên nghỉ.
Khoác lên mình bộ quần áo lộng lẫy, ngâm nga những phím đàn, bà Hường muốn quay lại những thước phim đẹp nhất tại trước cổng khu đất bà đã chuẩn bị cho bản thân mình nếu có lỡ “nằm xuống”.
Dù đã gần 80 tuổi nhưng bà Hường vẫn luôn lạc quan, yêu đời.
Người phụ nữ 77 tuổi chia sẻ, bà muốn làm thế bởi bà rất yêu nhạc, yêu đàn, và bà muốn ngày tang lễ của mình phải đẹp nhất, con cháu phải vui tươi tiễn bà về “cõi tiên”, thay vì khóc lóc thảm thiết. Đặc biệt, trong ngày tang lễ của mình, bà cũng dặn con cháu không được khóc, không được mặc áo tang, không đeo khăn trắng, con trai mặc comle, con gái mặc quần trắng áo dài.
“Đám cưới ăn mặc thế nào, đám tang của tôi cũng mặc y như thế. Tôi muốn con cái vui vẻ khi thấy mình về “cõi tiên”, tôi không muốn con rơi nước mắt ngày tôi mất. Với tâm thế là một người mẹ, khi con khóc, con ngã đau mình vô cùng thương vô cùng xót. Đến khi mình nằm xuống, thấy con khóc, con gào mình sẽ vô cùng đau lòng và không đành. Chính vì thế, tôi muốn con tôi hạnh phúc khi tôi hoàn thành nhiệm vụ trên trần”, bà Hường chia sẻ quan điểm sống.
Vì điều đó, bà đã ấp ủ dự định từ lâu, cuối cùng buổi quay đã diễn ra như dự định, ngay trên khuôn viên khu đất rộng 180m2, bà đã mua từ gần 15 năm trước. Giữa khu đất bà đã cho xây một “ngôi nhà” vô cùng rộng rãi và sang trọng. Phía trước, đặt tấm bia khắc cùng bài thơ “Cõi tiên” do chính bà đã sáng tác khi lần đầu tiên đặt chân đến đây.
“Tôi muốn chăm chút cho từng hạng mục ở nơi an nghỉ. May mắn khuôn viên nghĩa trang nơi bà yên nghỉ sau này cỏ cây tươi tốt, các hạng mục xây dựng đã cơ bản hoàn thành”, bà Hường nói.
Bà Hường ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất tại trước cổng khu đất bà đã chuẩn bị cho bản thân mình nếu có lỡ “nằm xuống”.
Có nhiều người đặt câu hỏi: “Tại sao bản thân đang khoẻ mạnh lại đi xây mộ cho chính mình?”, bà chia sẻ, năm 1992 bố bà đột nhiên rời cõi trần, dù có đất tiêu chuẩn cho cán bộ ở nghĩa trang nhưng việc làm thủ tục cũng mất thời gian. Lo xong tang lễ cho bố, bà mới nghĩ tại sao phải đợi đến lúc qua đời mới chuẩn bị chỗ an nghỉ cho mình. Nếu chuẩn bị trước có phải con cháu đỡ khổ.
Nghĩ là làm, bà Hường đi nhiều nơi để tìm mua đất làm khuôn viên, dù khi đó bà mới hơn 40 tuổi. Cuối cùng, sau khi tham khảo và lựa chọn kỹ lưỡng bà đã chọn Hòa Bình là nơi an nghỉ cuối cùng sau khi qua đời.
Theo bà hường: "Với nhiều người cao tuổi, họ luôn sợ khi nói về cái chết và chẳng mấy ai dám đối diện, hay tự chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình. Nhưng với tôi thì hoàn toàn khác. Tôi không bao giờ nghĩ đó là cái chết. Tôi cho rằng, cuộc sống trên cõi trần chỉ là một nhiệm kỳ công tác. Sau khi qua đời có nghĩa là nhiệm kỳ đó đã kết thúc, chuyển sang một nhiệm kỳ công tác mới ở một nơi mới mà thôi. Vì thế, việc chuẩn bị trước cho sự ra đi của mình sẽ khiến mình được thanh thản, thoải mái để tận hưởng cuộc sống trên trần gian”.
Thậm chí, bà còn có quan điểm, bản thân luôn phải đẹp. Mỗi khi ra đường ai cũng muốn mình đẹp, nhưng ở nhà mình cũng phải đẹp vì thời gian ở nhà nhiều hơn ra đường, nên phải chuẩn bị những bộ quần áo đẹp nhất ở nhà. Đặc biệt, khi đi ngủ cũng phải thật đẹp, phải thiết kế những bộ ngủ đẹp nhất.
“Ở tuổi này, biết đâu sẽ là một giấc ngủ sâu, sáng mai không dậy nữa, khi đó các con thấy mẹ vẫn đẹp”, bà nói.
77 tuổi tự lái xe, chơi đàn, học bơi chữa bệnh
Không chỉ quan điểm sống hơi “lạ”, bà Hường còn tự chủ mọi việc không cần nhờ vả con cháu. 77 tuổi bà vẫn tự mình lái xe cho những chuyến phiêu lưu. Sau cốp xe luôn có 2 vali lớn để quần áo, đồ dùng cá nhân mỗi khi bà di chuyển.
10 năm trước, khi đó bà Hường 67 tuổi mới bắt đầu tham gia học đánh đàn piano. Ngoài tình yêu âm nhạc, mục đích lớn nhất của người phụ nữ này đó là tự tay đánh một bản nhạc được nhạc sĩ phổ từ thơ do chính mình sáng tác, sau đó sẽ dựng thành một MV và phát trong ngày mình ra đi về với cõi phật.
Bà kể rằng, tuổi già học đàn rất khó khi tay cứng, mắt mờ thậm chí phải dùng đến cả kính lúp để nhìn vào bản nhạc. Thế nhưng bằng sự quyết tâm, sau 10 năm bàn tay bà đã đánh được những nốt nhạc uyển chuyển không kém gì những nghệ sĩ.
Tuổi 77, bà Hường chơi đàn như một nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Tiếp đó, 10 năm sau, bà quyết định học bơi để chữa bệnh, cũng như rèn luyện sức khoẻ giúp cơ thể dẻo dai.
“Tôi bị thoát vị đĩa đệm từ 6-7 năm trước, tuy nhiên thời gian gần đây tình trạng bệnh nặng lên. Các con tôi làm bác sĩ đã khuyên tôi nên học bơi để cải thiện bệnh. Tôi đã đăng ký khoá học 14 ngày tại Hoà Bình. Sau thời gian, chân đã không đau mà sức khoẻ cũng tốt lên rất nhiều”, bà Hường chia sẻ.
Ở tuổi gần đất xa trời, bà quan niệm, hãy sống vui vẻ tuổi già, khi tuổi già mình làm tròn nhiệm vụ cho các con các cháu, để các cháu góp ích cho sức khỏe. Chết là điều không tránh khỏi, vì thế chúng ta không phải sợ cái chết nhưng điều quan trọng là chúng ta đón nhận nó thế nào. Thậm chí không lấy đó là chuyện buồn.