Đến thăm chị gái sinh con, anh rể khiến em vợ rùng mình

Google News

Khi chị gái và cháu đã ngủ trong phòng, tôi định ra về thì bắt gặp ánh mặt khó hiểu từ anh rể. Và câu nói sau đó của anh ta khiến tôi rùng mình.

 

Tôi xuất thân ở quê, nhà có hai chị em gái. 7 năm trước, chị gái tôi lấy chồng. Chồng chị là chủ một công ty gia đình trên thành phố. Thời điểm ấy, ai cũng mừng cho chị có cuộc sống giàu sang, không phải lo cơm áo gạo tiền.

Ban đầu, chính tôi cũng nghĩ như vậy. Mãi cho đến khi tôi lên nhà chị chơi 1 tháng trong khoảng thời gian chờ nhập học, tôi mới thấy, chị tôi không hề sướng, nếu không muốn nói là quá khổ.

Anh rể bề ngoài là người giàu có, nhiều tiền nhưng bản chất lại là người cộc cằn, khô khan và khá gia trưởng. Ngày tôi mới lên, thấy người chị nhiều vết bầm tím, tôi hỏi, chị nói bị ngã. Nhưng vết ngã đâu phải như vậy. Ở một thời gian, tôi biết, chị bị chồng đánh.

Den tham chi gai sinh con, anh re khien em vo rung minh

Ảnh minh họa

Mang tiếng lấy chồng giàu trên thành phố, có nhà lầu, xe hơi nhưng mọi việc lớn bé trong nhà, chị tôi không có quyền quyết định. Tiền đi chợ hằng ngày cũng do anh rể đưa. Đã vậy, mua gì, tiêu gì chị đều phải ghi cẩn thận vào một cuốn sổ để chồng kiểm tra.

Khoảng thời gian tôi ở đó, chị vì muốn mua thêm vài món ngon cho tôi ăn nên có lẽ đã vượt quá giới hạn chi tiêu trong tuần. Anh rể trước mặt không nói nhưng sau lưng, anh đay nghiến, nhiếc móc chị đã ở nhà ăn bám, còn không biết tiết kiệm. Tiếp đãi một đứa nhà quê cần gì phải mua tôm, ghẹ, hải sản đắt tiền làm gì cho tốn kém.

Tôi nghe xong tủi thân vô cùng định bỏ về nhưng chị gái kịp thời ngăn cản. Chị nói không muốn cho bố mẹ biết cuộc sống của con gái chịu nhiều tủi nhục như vậy. Chị mong tôi ở lại bầu bạn với chị cho đỡ tủi vì anh rể đi tối ngày. Thương chị, tôi gật đầu đồng ý.

Ngày mẹ tôi sốt sắng gọi điện nói bố tai nạn phải nhập viện, hai chị em tôi cuống quýt chuẩn bị đồ về quê. Anh rể biết chuyện nhưng mặt lạnh tanh, ném xuống bàn vài triệu nói tôi cầm về thêm thắt lo cho bố. Còn vợ anh (tức chị gái tôi) phải ở lại không được về cùng.

Ngay khoảnh khắc ấy, nước mắt tôi rơi. Tôi thương bố tôi có người con rể bạc tình bạc nghĩa, thương chị tôi nhiều năm liền phải sống trong tủi nhục mà không dám thoát ra. Tôi lập tức rời đi, mặc cho chị gái cố dúi số tiền ít ỏi ấy vào tay tôi. Chị xin tôi nhẫn nhịn để cầm tiền về chữa trị cho bố. Nhưng tôi không cần. Có phải đi vay người ngoài để lo cho bố, tôi cũng không cần tiền của anh ta.

Từ ngày về làm con rể của bố mẹ tôi, chưa khi nào anh hỏi han, quan tâm sức khỏe của ông bà như thế nào. Đến khi bố tôi gặp nạn, anh quẳng ra vài triệu và coi như hết trách nhiệm. Nếu bố mẹ tôi biết hành động ấy, ông bà sẽ đau lòng đến nhường nào.

Sau chuyện đó, nhiều lần tôi đã khuyên chị gái ly hôn, thoát ra khỏi người chồng đáng sợ ấy. Nhưng chị nói chị không công ăn việc làm, sợ ly hôn sẽ không được nuôi con. Chị thương con nên đành cố nhẫn nhịn.

Bẵng đi một thời gian, chị tôi mang thai bé thứ 2. Tôi cũng lấy chồng và khá chật vật lo kinh tế. Tôi không còn thời gian để can thiệp vào chuyện riêng của nhà chị nữa.

Tuần trước, chị tôi sinh con, tôi có qua thăm. Khi chị và cháu đã ngủ trong phòng, tôi định ra về thì bắt gặp ánh mặt khó hiểu từ anh rể. Anh ta tiến lại phía tôi, tỏ vẻ hỏi han xem vợ chồng tôi sống như thế nào nhưng câu nói sau đó khiến tôi rùng mình.

"Em từ ngày lấy chồng, càng ngày càng xinh ra, khác hẳn mấy năm trước lúc ở nhà anh. Nếu cuộc sống khó khăn quá, cứ nói với anh, chỗ người nhà, anh sẵn lòng giúp đỡ, chỉ cần em ngoan, chịu khó chiều anh thì cái gì cũng có".

Không có từ ngữ nào có thể diễn ra sự kinh tởm của tôi với người anh rể bỉ ổi sau khi nghe câu nói đó. Tôi lập tức bỏ đi sau khi ném cho anh ta ánh mắt căm phẫn, khinh bỉ.

Mấy hôm nay tôi cứ đắn đo, suy nghĩ. Anh rể như vậy, tôi có nên nói ra bản chất của anh ta cho chị gái biết hay không. Tôi sợ, chị vừa sinh con, nếu biết chuyện sẽ suy nghĩ và sinh bệnh. Nhưng nếu không nói ra, tôi thấy rất bất bình thay chị và không biết, chị tôi còn bị anh ta lừa dối những gì đáng sợ hơn?

 
 
Theo H.N (Hà Nội) (Gia đình & Xã hội)

>> xem thêm

Bình luận(0)