Mỗi bộ phận cơ thể đều có tiếng nói riêng của mình cũng như có thể tiết lộ tình trạng sức khỏe của mỗi người. Chẳng hạn như màu sắc của da có thể dự báo bệnh về gan, mật hay sức khỏe răng miệng có thể kết nối với các bệnh lý đã mắc mà bản thân chưa biết hoặc sẽ mắc phải trong tương lai.
Các vấn đề về tim
Ít người biết rằng vệ sinh răng miệng có liên quan chặt chẽ đến tim và não. Việc không chăm sóc răng miệng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng.
Theo các chuyên gia, vệ sinh răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ bị huyết áp cao, yếu tố nguy cơ chính dẫn đến đau tim và đột quỵ.
Chuyên gia vệ sinh răng miệng người Anh Miranda Pascucci cho biết: "Nguyên nhân có thể là do vi khuẩn từ nướu bị viêm có thể di chuyển đến các mạch máu ở nơi khác trong cơ thể".
Một vấn đề khác có thể là tình trạng viêm nướu có thể gây viêm ở tim và mạch máu não. Vì vậy, đánh răng thôi chưa đủ mà cần phải chăm sóc cả bệnh về nướu răng.
Cảnh báo tương tự cũng được các chuyên gia tại Trường Y Harvard (Mỹ) đưa ra. Họ giải thích: Người mắc bệnh nướu răng (còn gọi là bệnh nha chu) có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ hoặc các biến cố tim mạch nghiêm trọng cao gấp 2 - 3 lần, theo Express.
Thiếu máu
Các chuyên gia cho biết thiếu sắt sẽ gây thiếu máu. Thiếu máu khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng máu giàu dinh dưỡng và ôxy. Với răng, tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến men răng và gây sâu răng.
Nguy cơ chuyển dạ sớm
Ở phụ nữ mang thai, sâu răng hay viêm nướu có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh non. Nguyên nhân là do vi khuẩn từ mảng bám hay vị trí viêm nhiễm trong răng sẽ theo mạch máu để đến nhau thai. Tình trạng này gây viêm và tăng nguy cơ làm vỡ túi ối, dẫn đến chuyển dạ sớm.
Ngoài ra, bệnh nướu răng kéo dài cũng khiến cơ thể giải phóng prostaglandin. Chất này hoạt động khá giống hoóc môn giúp điều hòa quá trình chuyển dạ và tăng nguy cơ sinh non.
Viêm ruột
Vì miệng kết nối với ruột nên bất kỳ vấn đề nào về răng, nướu cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tiêu hóa. Sưng nướu răng và sâu răng sẽ tăng nguy cơ mắc viêm ruột, từ bệnh Crohn và viêm loét đại tràng.
Bệnh suy giảm nhận thức
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, những người thường xuyên vệ sinh răng miệng không sạch sẽ hoặc mắc bệnh nướu răng có thể có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao hơn do răng miệng chứa nhiều vi khuẩn Porphyromonas gingivalis có liên quan đến bệnh nha chu hơn.
Tuy nhiên, Hiệp hội bệnh Alzheimer cũng chỉ ra rằng, bệnh nướu răng không gây ra chứng sa sút trí tuệ và nhiều khả năng Alzheimer khiến người ta quên chăm sóc răng, gây nên tình trạng viêm nướu.
Nguy cơ ung thư phổi
Nghiên cứu tháng 6/2016 được thực hiện tại Mỹ cho biết, những người bị bệnh nướu răng có nguy cơ phát triển ung thư phổi tăng lên. Hơn nữa, nếu mắc đồng thời bệnh nha chu và bệnh tiểu đường thì nguy cơ ung thư phổi thậm chí còn cao hơn nữa. Các nhà nghiên cứu dự đoán vi khuẩn miệng có thể đóng vai trò thúc đẩy tế bào ung thư phát triển trong phổi. Trong khi một nghiên cứu khác cho thấy việc điều trị bệnh nha chu có thể giúp giảm nguy cơ ung thư phổi.
Mặt khác, nghiên cứu được công bố bởi các nhà khoa học Đại học California (Mỹ) cho thấy, những mầm bệnh xung quanh răng (nha chu) cũng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô tế bào vảy ở đầu, cổ, miệng. Đặc biệt hơn, có tới 90% những khối u ở những vị trí này là ác tính.
Cơ thể thiếu vitamin
Suy dinh dưỡng và sức khỏe răng miệng kém có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Nếu không có đủ vitamin, miệng sẽ có sức đề kháng thấp hơn đối với màng sinh học vi khuẩn có nguồn gốc từ mảng bám và khả năng làm lành tổn thương tại nướu thấp hơn.
Thiếu vitamin D và A có thể ảnh hưởng đến men răng, trong khi thiếu vitamin B có thể gây ra môi nứt nẻ, má phát triển loét, nướu bị viêm, miệng và lưỡi có cảm giác nóng.