Nguyên nhân phụ nữ cảm thấy đau ngực trước kỳ kinh
Các triệu chứng trước kỳ “đèn đỏ” biểu hiện khác nhau ở mỗi phụ nữ, nhưng phổ biến là đau nhức ở ngực, nặng, sưng và nhạy cảm ở núm vú. Một số thậm chí còn cảm thấy đau ở vùng dưới cánh tay.
Nguyên nhân phụ nữ cảm thấy đau ngực trước kỳ kinh: Hàm lượng hoocmon estrogen và progesterone của bạn thường dao động trong chu kỳ kinh nguyệt. Những hormone quan trọng này chuẩn bị cho ngực và hệ thống sinh sản của bạn sẵn sàng mang thai.
Các mô ở ngực của bạn phản ứng với những hormone này và được cho là nguyên nhân gây ra chứng đau ngực theo chu kỳ.
|
Đau vòng một trước kỳ "đèn đỏ" có phải là triệu chứng ung thư vú? |
0,2 triệu chứng đau ngực bị ung thư vú
Đau ngực theo chu kỳ thường không phải là triệu chứng của ung thư vú, đặc biệt nếu bạn không có triệu chứng liên quan nào khác.
Một nghiên cứu lớn trên toàn cầu cho thấy trong số những phụ nữ tìm đến trung tâm y tế vì triệu chứng đau ngực, chỉ có 0,2% bị ung thư vú.
Nếu bạn lo lắng về tình trạng đau ngực hàng tháng và không chắc liệu nó có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của mình hay không, hãy thử ghi lại bằng một biểu đồ. Đánh giá mức độ nghiêm trọng của cơn đau, cũng như thời điểm nó bắt đầu và kết thúc. Điều này giúp làm rõ liệu cơn đau của bạn có mang tính chu kỳ hay không, đồng thời thu hẹp các nguyên nhân tiềm ẩn.
Đau ngực có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của bạn. Gặp bác sĩ sản phụ khoa là một ý tưởng tốt để chẩn đoán chính xác và tìm hiểu thêm về cách kiểm soát sự khó chịu.
Bác sĩ có thể tiến hành khám lâm sàng, chụp quang tuyến vú, nghiên cứu siêu âm hoặc MRI (nếu bạn có nguy cơ phát triển ung thư vú cao hơn).
Có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú cũng làm tăng nguy cơ. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là hầu hết phụ nữ mắc bệnh ung thư vú đều không có tiền sử gia đình mắc bệnh.
Mẹo giúp giảm đau
Nếu triệu chứng đau ngực của bạn chỉ đơn giản là dấu hiệu sắp đến kỳ đèn đỏ, thì dưới đây là một số mẹo giúp bạn giảm cảm giác khó chịu.
Thay đổi loại áo nâng ngực: Thay vì mặc áo ngực có gọng, bạn nên chọn loại áo lót thoải mái và hỗ trợ tốt để giảm đau ngực. Chuyên gia cho biết điều này sẽ đặc biệt hữu ích đối với những phụ nữ có bộ ngực lớn.
Thay đổi chế độ ăn uống: Muối, caffeine và rượu dẫn đến tình trạng giữ nước có thể gây viêm ở ngực. Vì vậy, tốt nhất bạn nên tránh chúng vào những ngày có kinh.
Chườm lạnh: Chườm lạnh hoặc chườm đá có thể khá hiệu quả trong việc kiểm soát chấn thương. Chườm túi nước đá lên ngực trong thời gian ngắn cũng làm giảm viêm và đau.
Tắm nước ấm: Đang là mùa đông nên việc ngâm mình trong bồn nước ấm có thể giúp thư giãn cơ bắp và giảm bớt cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, bạn không nên sử dụng nước quá nóng vì nó khiến da bạn bị khô.
Massage nhẹ nhàng: Bạn không cần phải đến spa để được massage thư giãn. Tự xoa bóp sẽ giúp ích rất nhiều. Tiến sĩ Gomes cho biết, một chút xoa bóp nhẹ nhàng có thể cải thiện lưu lượng máu và giảm căng thẳng ở ngực.
Tập thể dục: Khi bạn có kinh nguyệt, tập thể dục có lẽ là điều cuối cùng bạn nghĩ đến. Nhưng bạn nên tập những bài tập ít tác động như đi bộ để giảm đau và cải thiện tâm trạng.
Quản lý căng thẳng: Căng thẳng có thể gây viêm tăng cao và sau đó làm tăng cảm giác đau và khó chịu ở ngực. Vì vậy, hãy thực hành các kỹ thuật thư giãn như thiền hoặc thở sâu để giúp giảm đau.
Sử dụng dầu hoa anh thảo, kết hợp omega 3: Dầu hoa anh thảo dùng vào buổi tối giúp làm giảm các triệu chứng đau ngực. Bạn có thể bắt đầu bằng cách thêm một vài giọt vào trà hoặc thêm vào nước nóng để uống. Hoặc sử dụng các sản phẩm uống trong.
Nếu cơn đau vòng một không thuyên giảm và khiến bạn khó chịu nhiều hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn cách phòng ngừa. Họ sẽ xác định nguyên nhân và đưa ra hướng dẫn hoặc cách điều trị thích hợp nếu cần.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn
(Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)