Hỏi: Người nhà tôi bị nôn và đi ngoài ra máu nhiều, nhập viện kết luận xuất huyết đường tiêu hóa. Bác sĩ kêu gia đình tôi đưa bệnh nhân đến muộn, mất nhiều máu, điều trị khó khăn. Xin hỏi, ngoài nôn và đi ngoài ra máu, biểu hiện của xuất huyết đường tiêu hóa để đến viện sớm? Nguyên nhân gây bệnh? - Nguyễn Thị Luyến (Ba Đình, Hà Nội).
|
Ảnh minh họa. |
BSCK II Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Bệnh viện 354: Xuất huyết tiêu hóa là máu chảy ra khỏi mạch máu, mà mạch máu ấy lại nằm trong ống tiêu hoá. Đây là một cấp cứu nội khoa và ngoại khoa thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng tuổi hay gặp nhất là 20 - 50 tuổi. Nguyên nhân gây bệnh không chỉ là bệnh lý của dạ dày, gan, mật, do thuốc và ngộ độc mà còn do bệnh lý thương hàn, do kiết lỵ, ung thư, trĩ và dị ứng... Yếu tố thuận lợi đưa tới xuất huyết tiêu hoá là thời tiết giao mùa, cảm cúm; dùng một thuốc như aspirin, corticoit... hoặc chấn động mạnh tinh thần như quá bực tức...
Biểu hiện lâm sàng của xuất huyết đường tiêu hóa là: Trước khi bị bệnh bệnh nhân thường đau thượng vị dữ dội, đột ngột hơn mọi ngày nhất là bệnh nhân có loét hành tá tràng hoặc dạ dày. Xuất hiện cảm giác cồn cào, nóng bỏng, mệt khó tả, nhất là sau khi uống aspirin, hay corticoit.
Nhiều người tự nhiên hoặc khi thời tiết thay đổi (nóng sang lạnh hay lạnh sang nóng), sau gắng sức hay không một lý do gì tự nhiên thấy chóng mặt hoa mắt, mệt mỏi, thoáng ngất, lợm giọng, buồn nôn và nôn. Nôn kết hợp hoặc sau nôn, bệnh nhân đi ngoài phân đen như sột sệt, nát lỏng như bã cà phê, mùi thối khắm (như cóc chết).
Đặc biệt, khi bị xuất huyết đường tiêu hóa, người bệnh thường có dấu hiệu mất máu với các biểu hiện gồm: Ngất xỉu (vã mồ hôi, chân tay lạnh nổi da gà, da niêm mạc nhợt, có khi vật vã giãy giụa); Mạch quay (nhịp tim nhanh, nhỏ 120 lần trong 1 phút), huyết áp tối đa giảm 100 - 90 - 80mmHg, có khi không đo được. Người bệnh thở nhanh, có khi sốt nhẹ 37,5 – 38 độ C, đái ít có khi vô niệu...