Phụ nữ không chỉ nhanh già hơn đàn ông ở vẻ bề ngoài mà suy nghĩ của các nàng cũng chín chắn hơn rất nhiều. Một nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng tuổi trưởng thành về mặt cảm xúc của đàn ông là 43, còn phụ nữ là 32. Đàn ông có thể to cao, thành đạt hơn phụ nữ nhưng xét về độ trưởng thành thì phái đẹp ăn đứt. Nói rằng đàn ông Việt Nam chẳng khác gì đứa trẻ to xác thì sợ các anh tự ái. Nhưng sự thật là vậy!
|
Ảnh minh họa. |
Không chỉ phụ nữ mà ngay cả cánh mày râu khi yêu cũng thích nghe những lời ngon ngọt từ đối phương. Giả dụ ông chồng uống rượu say về nhà muộn, nếu bà vợ mà quát ầm lên thì kiểu gì hai vợ chồng cũng có một trận cãi vã ra trò. Đàn ông không thích phụ nữ to tiếng hay cằn nhằn, càng như thế anh ta lại càng phản ứng lại quyết liệt hơn. Đàn ông cũng thích được dỗ dành, nói ngon nói ngọt. Thế nên mới có những câu kiểu "Chồng giận thì vợ bớt lời, cơm sôi nhỏ lửa mấy đời cơm khê". Đàn ông Việt mang tiếng là phái mạnh chứ thực chất lại "làm nũng" còn hơn cả phụ nữ.
Đàn ông Việt Nam luôn xem mình là trung tâm vũ trụ, mọi người, mọi vật đều phải xoay xung quanh mình mới được. Hở tí là giận, động tí là dỗi, lúc nào cũng muốn mọi người theo ý mình, không chấp nhận nổi việc mình sai. Cái tính khí trẻ con đó đa số các chàng đều mắc phải. Người ta cứ bảo đàn ông yêu bằng tai, phụ nữ yêu bằng mắt chứ thực ra đàn ông còn thích nghe lời ngon ý ngọt hơn cả phụ nữ. Họ cứ như những cậu bé, dễ dụ dỗ, chỉ cần có bánh kẹo, đồ chơi, thêm chút lời ngon ngọt là sẵn sàng đi theo. Nào biết đâu đó là cái bẫy được đặt ra để "tóm" mình. Vậy nên phụ nữ Việt Nam mà không học được mấy câu ngon ngọt, biết cách mềm mỏng thì khó giữ nổi chân chồng.
Đàn ông thì luôn đòi hỏi được chú ý, quan tâm. Họ không chịu nổi việc phụ nữ không đặt mình lên trên tất cả. Để rồi khi phụ nữ mệt, đàn ông không chia sẻ. Phụ nữ khóc, đàn ông không dỗ dành. Phụ nữ buồn, đàn ông không an ủi... Đàn ông trẻ con là thế, chẳng bao giờ biết chủ động làm gì, cho đến khi bị trách móc thì lại bao biện rằng mình bận, mình có áp lực và mệt mỏi riêng... Tất cả đều là lý lẽ trẻ con. Những đứa trẻ thì luôn đòi hỏi được chăm sóc mà chẳng lúc nào làm điều tương tự lại với đối phương.
Đàn ông Việt Nam đa số phải nói là khô khan, không có chút tinh tế nào với bạn đời của mình. Nhìn cái cách đàn ông phương tây nâng niu, cưng chiều bạn đời như nàng công chúa mới thấy thật khác biệt. Không phải cứ viết lên Facebook hay nói miệng kiểu: "Em là công chúa của đời anh" thì cô ấy sẽ biến thành công chúa đâu. Quan trọng nhất vẫn là cách cư xử của các anh. Chẳng ai bắt công chúa suốt ngày tất bật cơm nước, việc nhà, chăm con cả. Chẳng ai sai bảo, bắt công chúa phục tùng mình cả. Đàn ông phương tây có thể dậy sớm làm bữa sáng cho bạn đời, còn đàn ông Việt suốt đời chỉ biết ngủ đến khi nào cô ấy gọi đến rát họng mới chịu dậy. Đó chính là sự khác nhau. Vì đàn ông Việt sống bản năng như những đứa trẻ nên họ làm gì có khái niệm tinh tế.
Cũng chính vì trẻ con nên họ làm gì, đi đâu cũng không nghĩ đến hai từ trách nhiệm. Trách nhiệm với bản thân bằng 0, với gia đình bằng 0. Trong đầu lúc nào cũng muốn thỏa mãn cái mình thích là được. Mấy anh chàng ra ngoài dễ ngoại tình là bởi vì tính khí họ trẻ con mà ra. Họ cả thèm chóng chán, nay thích cái này nhưng mai thấy cái kia mới hơn, đẹp hơn là sẵn sàng chạy theo, cứ như đứa trẻ có đồ chơi mới là bỏ quên con gấu bông cũ kĩ... Trẻ con nên cũng hay vòi vĩnh nữa. Thấy cái gì đẹp và đặc biệt là muốn có bằng được, mặc cho nó chẳng phải của mình.
Đàn ông Việt Nam 20 tuổi, 30 tuổi hay 50 tuổi cũng không khác nhau là mấy. Đều là hàng ngày chờ người phụ nữ ở nhà (là mẹ, là vợ) chuẩn bị cơm nước rồi ngồi vào ăn. Nhiều anh có gia đình rồi cũng chẳng biết vào bếp là gì, vì họ nghĩ điều đó không cần thiết, không phải việc của mình. Đói đã có vợ lo, quần áo bẩn có vợ lo, ốm đau có vợ lo... việc của mình là kiếm tiền về, vậy thôi. So với những đứa bé liệu có khác gì không? Cái gì cũng mẹ ơi, mẹ à, chúng chỉ biết học và học để giành điểm số cao về nhà.
Ở độ tuổi nào họ cũng có cho mình một đam mê, sở thích nhất định. Nhẹ thì là điện tử, đá bóng, nuôi cá, nuôi chim... Còn nặng thì là mê gái, mê sắc. Chẳng khác gì những đứa bé một khi đã thích cái gì thì chăm chú, bỏ bê hết tất cả. Người ta vẫn nói trẻ con thì vô tâm, chẳng biết gì nên chẳng mấy ai trách nó. Nhưng đàn ông có gia đình rồi mà vẫn làm một đứa trẻ thì không ổn chút nào. Lớn về thân xác thì cũng phải lớn về con người bên trong. Đừng sống mà chỉ biết đến mình như vậy nữa.
Cũng chính vì thế mà phụ nữ lấy chồng ở Việt Nam đôi khi về không chỉ để làm vợ mà còn để làm quản gia, bảo mẫu. Cái gì trong nhà cũng đến tay chị em, từ việc nhỏ nhất đến lớn nhất. Lấy phải một ông chồng tính khí sáng nắng chiều mưa, người lớn không ra người lớn, trẻ con không ra trẻ con thật đau đầu. Nhiều lúc tự hỏi không biết mình đang sống chung với ai đây. Phía sau những bộ quần áo chỉnh chu, thân hình cao to kia là một cậu bé chẳng biết khi nào mới chịu lớn.