Chủ đề “Ở rể” trong talkshow “Bí mật của tạo hóa” phát sóng trên VTV ngày 23.10 đã khiến dân mạng dậy sóng với những luồng tranh luận 2 chiều nảy lửa. Từ tư liệu của bộ phim “Ngự lâm không kiếm” quy tụ dàn diễn viên đã quá đỗi quen mặt với khán giả màn ảnh nhỏ, talkshow “Bí mật của tạo hóa” đề cập thẳng thắn đến chủ đề tế nhị đối với đàn ông Việt Nam và ngay lập tức gây xôn xao với những ý kiến trái chiều.
|
Talkshow "Bí mật của tạo hóa" chủ đề "Ở rể". |
Với sự góp mặt của 2 vị khách mời: GS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện nghiên cứu giới và Phát triển và Nhà văn trẻ Nguyễn Ngọc Sơn, chương trình xoáy sâu vào hai mặt của vấn đề đàn ông ở rể, đồng thời bàn về những định kiến của xã hội với quan điểm "ở rể nhà vợ là chó chui gầm chạn" hay không?
Ngay sau khi được phát sóng, talkshow đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều cặp vợ chồng. Đa phần các ý kiến đều cho rằng, từ xưa đến nay, việc phụ nữ lấy chồng, về nhà chồng làm dâu là lẽ thường tình, nhưng con rể mà ở nhà vợ là bất thường. Vì vốn dĩ đàn ông lấy vợ về phải lo cho vợ con được đầy đủ.
Đứng trên lập trường của một nam thanh niên trẻ quan sát cuộc sống của nhiều cặp vợ chồng, Sơn Paris cho rằng tâm lý của rất nhiều đàn ông đều né tránh việc ở rể vì xưa nay các cụ có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Vì thế, việc ở rể phần nào sẽ làm mất đi bản lĩnh và tiếng nói không còn có trọng lượng của một người đàn ông trong gia đình.
Có lẽ quan niệm này càng “khắc sâu” khi không ít lời nhận xét, phê phán những anh chàng ở rể bằng các ngôn từ như “vô dụng”, “bám váy vợ”, thậm chí là “chui gầm chạn” hay “mặc váy”...
“Trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM thì việc các cặp vợ chồng trẻ đủ điều kiện mua cho mình căn hộ riêng không phải là nhiều. Đồng lương eo hẹp hoặc vì nhiều lý do khác khiến cánh mày râu phải sống chung với bố mẹ vợ. Đã mang sẵn tâm lý tự ái, thế nhưng sự tự ái này càng đẩy lên tới cao trào khi nhiều lời nói hoặc hành động không hay vô tình tạo nên những mâu thuẫn khiến họ bị mang tiếng bất tài, luồn cúi và chẳng hề đáng mặt nam nhi”, Sơn Paris cho hay.
Cũng chính vì tâm lý đó nên anh chàng tác giả trẻ Sơn Paris cho rằng trước khi lập gia đình đàn ông nên vững vàng về kinh tế và cuộc sống để lo được cho gia đình tốt hơn và quan trọng nhất dù không nói ra nhưng sẽ không bị tự ti hay mặc cảm về bản thân mình.
Phản bác lại ý kiến này, nhiều người cho rằng việc ở rể hoàn toàn không hạ thấp bản thân như nhiều người vẫn nghĩ. Tiến sỹ Lê Thị Quý cho rằng mọi người nên có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Thực tế, có nhiều gia đình nhà vợ đánh giá cao chí tiến thủ, công việc cũng như cách ứng xử của con rể thay vì nhìn vào điều kiện thực tế như có nhà ở thành phố.
Ngay lập tức, trên nhiều diễn đàn, trang mạng xã hội, chủ đề “Ở rể” nhanh chóng trở thành topic để mọi người đóng góp quan điểm của mình. Tài khoản Facebook H.A chia sẻ hình ảnh về số phát sóng “Bí mật của tạo hóa” và khẳng định: “Thế kỷ 21 rồi mà truyền thông Việt có vẻ vẫn đang ủng hộ những tư tưởng của thế kỷ 15 vậy! Thời mình và ông chồng mới về nước, gia đình hai bên đều ở xa nên hai vợ chồng đều phải đi ở nhờ. Mình ở nhà bác mình, còn chồng ở với bạn bè. Thời bao cấp nhà nào cũng nghèo, chỗ ở nhiều khi chỉ là một tấm chiếu rải ở góc nhà, ăn tất nhiên hoàn toàn tự lo, nhiều thứ phiền toái, nhịn nhục không sao kể xiết. Tuy nhiên cho đến giờ chúng mình vẫn rất biết ơn những người đã cưu mang mình thuở ấy. Chưa bao giờ mình có ý nghĩ tủi thân vì phải đi ở nhờ cả, ngược lại thấy là mình may mắn vì còn có người cưu mang và thời gian sống trong nhiều gia đình khác nhau đã dạy mình những kỹ năng sống mà nếu chỉ sống với bố mẹ mình không thể biết được”.
Nickname Hồng Thắng bình luận: “Cuộc sống có nhiều vấn đề đôi khi rất khó diễn đạt. Có chỗ ăn ở và được giúp đỡ là rất tốt. Nhưng trong ứng xử giao tiếp cần có văn hóa và nhất là cần thái độ tôn trọng nhau. Suy cho cùng vấn đề vẫn là ở con người”.
Còn tài khoản Thuy Minh thì có phần “bất bình” hơn: “Đàn ông, hầu hết đều sợ ở rể. Mà nguyên nhân cơ bản nhiều khi không phải bất tiện đâu. Bởi vì trên thực tế, nhiều chàng rể được ở nhà vợ, chẳng khác gì chuột sa chĩnh gạo. Nhưng họ vẫn không thích. Anh biết có nhiều ông kễnh rể còn nằng nặc bắt vợ thuê nhà ở riêng, trong khi nhà vợ rộng rãi, đầy đủ, tiện nghi, quý người. Tất cả, theo anh nghĩ, chỉ vì thói sĩ diện hão, quan niệm phong kiến, lạc hậu mà ra thôi. Cái thói xấu ấy, đàn ông Việt bọn anh bị nhiều lắm! Thế mới chán! Và nó chẳng có gì đáng được chia sẻ, thông cảm hết. Nó đáng bị triệt tiêu từ lâu rồi mới phải”.
Đáp lại ý kiến của cư dân mạng, Sơn Paris cho hay mỗi người có quan niệm và suy nghĩ của riêng mình, nhất là việc ở rể chẳng cần phải tới talkshow này mới hot mà lâu nay nó vẫn là mâu thuẫn âm ỉ trong nhiều gia đình. “Bản thân tôi thì nghĩ rằng đàn ông Việt vẫn nặng nề tâm lý phải lo được cho vợ con đầy đủ vì mình là phái mạnh mà. Vậy nên, nếu như không rơi vào hoàn cảnh không thể né tránh thì các cặp vợ chồng trẻ nên có cuộc sống riêng tư để thoải mái, dễ chịu hơn. Còn nếu như ở rể thì phái mạnh cũng nên nghĩ rằng việc bạn sống ở đâu không quyết định tới nhân cách hay trình độ của mỗi người”, Sơn Paris khẳng định.
Thông qua cuộc tranh luận nảy lửa này, có thể thấy việc không thích “ở rể” dường như là quan điểm của đại đa số nam giới. Điều này cũng chứng tỏ sự phân biệt giới tính trong xã hội khiến đàn ông luôn lo sợ danh dự của họ bị bôi nhọ nên luôn có xu hướng chứng tỏ bản thân. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần có cái nhìn đúng đắn hơn về vấn đề này. Đàn ông có thể ở rể, có thể không tùy vào quan niệm và điều kiện thực tại, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ, tâm lý sống luôn khiến họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc bên gia đình mình.