Một người bạn kể ngày xưa, ngày sinh viên để có tiền mua áo khoác tặng bạn gái nhân mùng 8/3, anh đã phải đi mòn giầy để bán từng cái bút, cái bật lửa, nhặt từng đồng tiền lẻ. Nhưng khi tặng, người yêu chê là cái áo không hợp mốt.
Tình yêu thời sinh viên không thành. 20 năm sau gặp nhau, kể lại câu chuyện cười như vậy, cô người yêu cũ lại rơm rớm nước mắt: “Nếu biết được anh chân tình như vậy, có khi chúng ta đã không chia tay”. Nhưng vào cái thời 18, đôi mươi ấy, dù có biết, các cô gái vẫn không thể đủ từng trải để hiểu được giá trị của món quà không phải đánh giá bằng tiền.
|
Đàn bà không muốn nhận hoa theo "phong trào". |
Tôi có cô bạn từng ôm người yêu khóc rưng rức khi biết anh ăn mì tôm cả tháng để dành tiền mua quà 8/3 cho người yêu. Tình yêu của hai người cũng đã đơm hoa kết trái bằng một đám cưới viên mãn và hai đứa con. Mùng 8.3 năm ngoái, chị mua một thùng mì, tự nấu một nồi mì to, vừa ăn vừa chan nước mắt. Chị cho biết vài năm nay ngày lễ lạt chồng chị tặng chị rất nhiều quà đẹp, nhẫn đá quý, đồng hồ xịn. Anh cũng vừa tặng chị một cái túi hàng hiệu nhân mùng 8/3. Nhưng ngay chiều hôm đó, chị lại phát hiện chồng chị tay trong tay với một cô gái trẻ khác, bên cạnh có cái túi giống hệt túi mà anh ta vừa tặng chị.
Chị về nhà mua một thùng mì để ăn, để nhớ lại những điều tốt đẹp mà chồng chị đã làm cho mình, để chị kìm nén không muốn tung hê tất cả vì những tổn thương mà anh ta đã gây ra. Mùng 8/3 năm nay, chị tuyên bố không nhận quà khiến chồng ngỡ ngàng. Anh ta không biết, chị sợ nhìn thấy nụ cười sun xoe giả dối và lời nịnh nọt, chúc tụng “mãi mãi hạnh phúc” trơn tuột như lươn của chồng.
Đàn bà từng trải đi qua những cay đắng của cuộc đời, hiểu được điều mình muốn sẽ không thích nhận quà “lễ lạt”. Đàn bà đích thực không cần những lời tâng bốc mỗi năm vài lần vào ngày lễ. Bởi mỗi năm vài lần “lễ lạt” mà cả năm lại thờ ơ, nguội lạnh thì quà tặng chỉ có ý nghĩa châm biếm, chua xót mà thôi.
Một bó hồng to tổ chảng không có giá trị bằng một cái nắm tay, một lời trìu mến thường ngày. Một chiếc nhẫn kim cương lấp lánh không làm ấm lòng bằng một bắp ngô nóng hổi mà chồng đút trong ngực áo mang về cho vợ trong đêm đông lạnh.
Đàn bà có chút dấu ấn thời gian trên mặt đã đi qua những mơ tưởng viển vông. Họ rất sợ những bồng hồng cắm vội trong túi nilon mà các ông chồng dúi vào tay vợ như “của nợ” trong những ngày “phong trào”. Bởi vì ngày khác, người chồng mải mê đi nhậu, bỏ mặc vợ đánh vật với việc nhà và chăm sóc con. Muốn đưa con đi công viên chơi phải năn nỉ gãy lưỡi chồng mới bỏ buổi đánh tennis. Khi đi cùng thì mặt mũi sưng xỉa, cáu kỉnh. Với đồng nghiệp anh ta vui vẻ, ngọt ngào, với bạn bè thì chan hòa, thân ái mà với vợ lại luôn cắm cảu, cục cằn. Nhưng đến ngày 8/ 3, 20/10, trong khi hoa hoét bày khắp phố, trên facebook tràn ngập lời chúc mừng, anh ta cũng sực nhớ mình có một người vợ phải tặng quà nên mua vội bông hồng. Nếu bị chê trách không chu đáo với vợ con, anh ta đều cãi rằng lễ tết nào cũng tặng hoa, vợ còn muốn cái gì nữa.
Anh ta không hiểu, đàn bà đích thực biết yêu bằng cả trái tim không muốn được nâng niu chỉ một vài ngày trong năm. Họ muốn cảm nhận được tình yêu và sự trân trọng của bạn đời, của người yêu cả 365 ngày. Tình yêu và sự trân trọng đó không đóng hộp trong quà tặng, hoa tươi. Nó có thể chỉ đơn giản như chồng ủ đôi bàn tay đông lạnh vì nấu cơm của vợ vào lòng. Hay một buổi chiều trên đường đón con về, người chồng tranh thủ mua cá, mua rau, trên giỏ xe có thể kèm theo một bó hoa cúc vàng mà vợ thích. Hoặc dành thời gian cùng vợ đi bộ vài vòng trong công viên rồi lại nắm tay nhau đi về nhà…
Đàn bà đích thực không cần quà, họ cần cảm nhận được tình yêu. Đủ cả 365 ngày.