Chỉ nằm để thở cũng không xong
Gặp anh Nguyễn Văn Giang (49 tuổi ở Thường Tín, Hà Nội) sau 2 ngày được can thiệp bít thông liên thất qua da thành công đã thấy khoẻ mạnh, đi lại và nói chuyện bình thường. Anh cho biết, cách đây 2 tháng anh bị đau ngực dữ dội được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai với chẩn đoán nhồi máu cơ tim (NMCT) trước rộng ngày thứ 3.
Tình trạng vào viện nặng, NMCT - TVLT, sốc tim, rối loạn nhịp thất, huyết áp tụt được hồi sức và chụp động mạch vành cấp cứu, phát hiện tắc hoàn toàn đoạn II-LAD nhưng không can thiệp đặt stent được. Sau hơn 1 tháng điều trị hồi sức tích cực suy tim, loạn nhịp, nhiễm trùng huyết... bệnh tiến triển tốt hơn được cho ra viện, hẹn khám sau 1 tháng. Nhưng mới hơn 20 ngày, vào ngày 24/4 anh lại phải nhập viện cấp cứu và do tình trạng suy tim quá nặng chuyển tới TTTM-BVE.
|
GS.TS Lê Ngọc Thành thăm hỏi bệnh nhân sau 2 ngày bít dù TVLT. |
ThS Phan Thảo Nguyên, TTTM-BVE cho biết, bệnh nhân Giang được đưa vào cấp cứu trong tình trạng suy tim nặng, chức năng tim giảm do nhồi máu cơ tim trước rộng, tắc hoàn toàn đoạn II-LAD 2, thủng vách liên thất khi chuyển sang BVE nhằm phẫu thuật tái thông mạch vành - vá TVLT. GS.TS Lê Ngọc Thành, Viện trưởng quyết định hội chẩn can thiệp đặt stent đoạn II–LAD để khơi thông động mạch vành để giảm tình trạng thiếu máu tiếp tục gây hoại tử các cơ tim, cải thiện chức năng tim và tình trạng suy tim. Sau 10 ngày thì tình trạng suy tim, rối loạn nhịp được cải thiện rõ, bệnh nhân đã tự sinh hoạt và ăn uống được.
99% tử vong nếu không có sự phối hợp đồng bộ
Đến ngày 9/5 bệnh nhân được bít thông liên thất bằng dù. ThS Trần Đắc Đại, TTTM-BVE cho hay, sau đặt stent thì bệnh nhân Giang đã qua cơn nguy kịch, nhưng nguy cơ tử vong của biến chứng TVLT sau NMCT tim có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bởi TVLT thường có có dấu hiệu lâm sàng nặng nề gồm: Đau ngực tăng, phù phổi cấp, tụt huyết áp, sốc tim có thể xảy ra đột ngột trong qua trình đang diễn biến bình thường của bệnh.
Tỷ lệ tử vong khi có biến chứng TVLT được điều trị nội khoa là khoảng 24% sau 24 giờ, 46% sau 1 tuần và 67 - 82% sau 2 tháng. Đó là với những lỗ thủng nhỏ trong khi ở bệnh nhân Giang lỗ thủng vách liên thất quá lớn 8 - 10mm, trước đây với tình trạng bệnh nhân nặng như vậy, tỷ lệ tử vong thường 99%. Do vậy, phải đóng TVLT cho bệnh nhân càng sớm càng tốt. Nhưng ở bệnh nhân Giang, do thiếu máu dẫn tới hoại tử cơ tim, chỗ thủng bị hoại tử, mục nát nhiều nếu vá hoặc bịt chỗ thủng ngay sẽ hỏng, vì vậy phải điều trị tích cực đến khi cơ tim phục hồi mới tiến hành đóng.
GS.TS Lê Ngọc Thành cho biết thêm, bệnh viện đã chỉ đạo các khoa hồi sức tích cực, gây mê, ngoại khoa, can thiệp mạch... phối hợp và thực hiện đồng bộ, xử lý tốt nhất để cứu bệnh nhân. Khi tiến hành can thiệp bít lỗ thông liên thất, phòng mổ bên cạnh đã được chuẩn bị để can thiệp không được sẽ tiến hành mổ ngay.
Đặc biệt, lỗ TVLT này lớn nên bệnh viện đã phải dùng dụng cụ để đưa nhịp về bình thường, gây mê để tránh tình trạng khi can thiệp chạm nhiều có thể gây sốc tim và ảnh hưởng đến chức năng của tim... Việc đóng TVLT thành công và bệnh nhân khoẻ mạnh cho thấy, các trường hợp NMCT nặng vẫn có thể cứu được nếu có sự phối hợp đồng bộ.
Mời quý độc giả xem video Tai biến y khoa (nguồn VTV):