Áp lực từ đám cưới
Bác sĩ cho biết, bệnh nhân nam tên N.V.M. 28 tuổi, làm nghề lái xe, bệnh nhân vào viện vì có cơn cảm giác hồi hộp.
Anh M. là con thứ 2 trong gia đình. Anh M. đã học hết lớp 10/12, sau đó đi học nghề lái xe ô tô, làm lái xe ô tô khoảng 4 năm nay, công việc không quá vất vả hay căng thẳng nhưng anh M. là người có tính cách hay lo nghĩ, cầu toàn.
Theo người thân, anh M. cho biết khoảng 6 tháng nay, anh M. gặp nhiều căng thẳng do phải lo việc cưới vợ, chuẩn bị tiền cho đám cưới của mình. Lúc nào anh M. cũng lo lắng quá mức về việc đám cưới, lo cưới tốn kém không đủ tiền, kèm theo lo lan man nhiều chủ đề như kinh tế, sức khỏe, việc sau cưới có hợp nhau không.
Không chỉ lo cho đám cưới, đời sống hôn nhân mà anh M. còn hay lo sợ sẽ có điều không may sẽ xảy ra với mình và gia đình, như là lo sợ lái xe gặp tai nạn nên không dám ra ngoài đường. Mặc dù đám cưới đã diễn ra cách đây 5 tháng nhưng bệnh nhân vẫn lo lắng lan man nhiều chủ đề.
|
Ảnh minh họa. |
Sau đó, anh M. bắt đầu xuất hiện ngủ kém, khó vào giấc, đêm dễ giật mình. Anh còn cảm giác mệt mỏi nhiều, nặng hơn về chiều tối, kèm theo các cơn hồi hộp, đánh trống ngực, tim đập nhanh, vã mồ hôi, căng thẳng sợ hãi. Anh chia sẻ lúc nào cũng có cảm giác nghẹn tức cổ, thở hụt hơi, hay phải gắng sức để thở, ăn uống kém hơn, hay nóng ruột gan, đầy tức bụng khó tiêu, ăn không ngon.
Anh M. đi khám đa khoa nhưng không tìm ra bệnh, đủ các chuyên khoa từ tim mạch, hô hấp, thần kinh nhưng phát hiện bất thường, còn mệt mỏi nhiều, không đi làm được.
Sau đó bệnh nhân lên khám tại bệnh viện Bạch Mai, được chụp CT sọ não, holter điện tim, đo chức năng hô hấp nhưng đều không phát hiện bất thường. Bệnh nhân được người quen giới thiệu nên đến khám tại Viện sức khỏa Tâm thần bác sĩ làm các xét nghiệm và khám lâm sàng và chẩn đoán rối loạn lo âu lan tỏa. Anh M. đã được điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Những ai dễ bị trầm cảm
Theo TS Dương Minh Tâm, Viện sức khỏe Tâm thần Quốc gia ở Việt Nam đa số bệnh nhân lo âu đều đi khám các chuyên khoa tim mạch, thần kinh nhưng không ra bệnh sau đó bệnh nhân mới tìm đến chuyên khoa tâm thần.
Theo TS Tâm bình thường stress là một đáp ứng thích nghi về mặt tâm lý và sinh lý. Stress đặt chủ thể vào quá trình dàn xếp thích ứng, tạo ra một cân bằng mới cho cơ thể sau khi chịu những tác động của môi trường. Nói cách khác, phản ứng stress bình thường đã góp phần làm cho cơ thể thích nghi.
Nếu đáp ứng của cá nhân với các yếu tố gây stress không đầy đủ, không thích hợp và cơ thể không tạo ra được một cân bằng mới, thì những chức năng của cơ thể ít nhiều sẽ bị rối loạn, những dấu hiệu bệnh lý cơ thể, tâm lý, hành vi sẽ xuất hiện và sẽ tạo ra những stress bệnh lý cấp tính hoặc kéo dài.
Stress có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội…, sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Stress gây bệnh thường là những stress mạnh và cấp diễn (mất người thân đột ngột, tổn hại kinh tế nặng nề) hoặc có những stress không mạnh nhưng trường diễn, lặp đi lặp lại nhiều lần gây nhiều căng thẳng nội tâm.
Tuy nhiên, không phải ai bị stress cũng có thể phát triển thành bệnh, tiến sĩ Tâm cho biết một nhân cách vững mạnh, có lý tưởng, tự nguyện chịu đựng stress thì dù stress có mạnh cũng khó gây bệnh. Nếu bị bệnh mà người đó có nhân cách mạnh thì cũng dễ khỏi bệnh.
Ngược lại, những người có nhân cách yếu hoặc những người có tính cách chi ly, cầu toàn thì có thể bị bệnh chỉ sau một stress nhẹ, bệnh chậm hồi phục.
Stress khiến bệnh nhân rơi vào trạng thái trầm cảm điều này gây ra gánh nặng cho toàn xã hội bởi 90 % bệnh nhân trầm cảm có ý định tự tử. Chi phí y tế cho rối loạn trầm cảm chủ yếu tăng từ 173.2 tỉ USD năm 2005 đến 210.5 tỉ USD năm 2010. Ngoài ra, những người bị stress còn bị tổn hại các chi phí không đo đếm được như chất lượng và hiệu quả công việc của bệnh nhân bị stress.
Khi người bệnh có các triệu chứng lo âu, mất ngủ, cảm giác bất an, mệt mỏi nên tới các chuyên khoa tâm thần để được khám và điều trị những rối loạn stress tốt nhất.