Chiều 15/3, Bộ Y tế thông tin, trong 37 ca nhiễm Covid-19 mới phát hiện tại nước ta từ 6/3 đến nay và đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước, có 13 người nước ngoài, 24 người Việt Nam. Tình hình sức khoẻ của phần lớn bệnh nhân đang ổn định, không sốt, không khó thở. Một số ca bệnh có triệu chứng ho nhẹ, ăn uống bình thường, các dấu hiệu sinh tồn ổn định.
Tuy nhiên, trong số các ca mắc virus kể trên, hiện có một nam bệnh nhân cao tuổi dương tính Covid-19 người Anh, 69 tuổi, với nhiều bệnh lý nền mãn tính: Tăng huyết áp, đái tháo đường type2. Hiện, bệnh nhân có khó thở, được đặt thở máy. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân này.
|
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: ANTĐ. |
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.
Các chuyên gia y tế cảnh báo người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm Covid-19 nhất và nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác. Do đó, việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng.
Để đảm bảo phòng chống được dịch bệnh này, Tiến sĩ – Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương khuyến cáo, người cao tuổi có nhiều bệnh lý thì bản thân các bệnh lý phải được kiểm soát tốt, kiểm soát bằng thuốc, bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, quan trọng là khi có các triệu chứng thì chúng ta phải đi khám ở các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.
|
Việc quan tâm, chăm sóc sức khỏe, chủ động phòng bệnh đối với người cao tuổi trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 là vô cùng quan trọng. Ảnh minh họa. |
Về chế độ dinh dưỡng của người cao tuổi, ngoài chế độ dinh dưỡng dành cho các bệnh lý mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp… để phòng chống đợt dịch bệnh này, người cao tuổi phải ăn uống đủ chất. Đủ chất ở đây là đảm bảo được các chất dinh dưỡng nhiều Calo, năng lượng như đạm, mỡ… để cung cấp năng lượng cho bệnh nhân chống đỡ với bệnh tật. Ngoài ra, các chất vi lượng như vitamin, chất khoáng cũng phải cung cấp đủ, đồng thời, phải uống đủ nước.
Về việc tập thể dục đối với người cao tuổi, bác sĩ cho rằng đây là một thói quen tốt, tuy nhiên, thời gian tốt nhất để tập thể dục là buổi sáng. Tùy theo điều kiện thời tiết mưa, lạnh của miền Bắc mà các cụ sắp xếp thời gian tập sao cho hợp lý nhất. Những hôm trời lạnh thì có thể tập muộn hơn, đảm bảo quần áo ấm, đặc biệt là giữ ấm vùng cổ và vùng ngực khi ra ngoài. Sau khi tập luyện, cơ thể nóng lên thì mình có thể bỏ dần quần áo ra. Còn những hôm trời nóng quá thì chúng ta cần cố gắng dậy sớm một chút.
Theo thống kê tại Việt Nam, những người cao tuổi đang sống ngoài vùng dịch thì không cần phải hạn chế việc đi tập thể dục. Tuy nhiên, theo khuyến cáo, người cao tuổi vẫn nên có những biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang, đảm bảo đủ ấm khi thời tiết lạnh như hiện nay để phòng chống các bệnh lây nhiễm khác ngoài virus corona. Còn trong vùng dịch thì tránh tụ tập đông người nên khuyến cáo người cao tuổi không nên tập thể dục.
Video "Việt Nam có ca mắc Covid-19 thứ 46 và 47". Nguồn: VTC Now.
Các nhà khoa học trên thế giới khuyến cáo người cao tuổi, đặc biệt là những người mắc bệnh mạn tính như cao huyết áp, đái tháo đường không nên đi lễ hội hay đến những nơi đông người.
Theo PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh, Trưởng bộ môn Y học gia đình, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ngoài việc duy trì điều trị thường quy, người cao tuổi nên tránh xa các nguồn lây nhiễm, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, giữ đường mũi, họng sạch, giữ ấm, đeo khẩu trang khi phải tiếp xúc ở chỗ đông người, rửa tay thường xuyên, ăn uống đủ dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng. Không nên dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, cốc uống nước. Cần giặt khăn thường xuyên và giữ khăn luôn khô, sạch; không treo khăn mặt, khăn tắm ẩm ướt trong nhà vệ sinh.
Do dễ bị mầm bệnh tấn công, các cụ cũng cần giữ nơi ở sạch sẽ, thoáng mát, dùng quạt thay cho điều hòa. Nhà cửa nên thường xuyên vệ sinh, khử trùng, nhất là các nơi, bề mặt vật dụng tiếp xúc thường xuyên như phòng khách, phòng ngủ, nhà vệ sinh, tay nắm cửa...
Người thân trong gia đình cũng phải làm theo các hướng dẫn trên để vừa bảo vệ bản thân mình, vừa bảo vệ sức khỏe người cao tuổi trong nhà.
Cùng chung tay chặn đứng dịch bệnh Covid-19!
Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động, tích cực thực hiện các biện pháp: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc rửa tay bằng dung dịch rửa tay có cồn; che miệng, mũi khi ho, hắt hơi bằng khăn giấy hoặc khủy tay áo; tránh đưa tay lên mắt, mũi miệng; hạn chế tiếp xúc gần trong khoảng cách 1m với người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; thường xuyên lau chùi vật dụng bằng chất tẩy rửa thông thường; đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông. Người dân không đi du lịch đến các nước, khu vực đang có dịch Covid-19.