Mới đây, bác sĩ da liễu Thái Dật San, người Trung Quốc, đã chia sẻ về một trường hợp bệnh cắn móng tay, thu hút đông đảo sự quan tâm, chú ý của mọi người.
Theo bác sĩ Thái, bệnh nhân 5 tuổi, mắc chứng nghiện cắn móng tay. Toàn bộ 10 đầu ngón tay của cậu bé luôn dính đầy nước bọt, móng cụt ngủn, tụt sâu vào trong thịt.
Để hạn chế hành vi này, mẹ của bé trai đã bôi ớt, dầu cao lên tay cậu bé để ngăn con trai cho tay vào mồm cắn, gặm. Không ngờ, một thời gian sau, người mẹ phát hiện móng tay của cậu con trai nhỏ hơn đều bị thối hết, đáng nói bé trai này không mắc tật cắn móng tay.
|
Ảnh minh hoạ. |
Sau khi tìm hiểu, người mẹ phát hiện, "hung thủ" lại chính là cậu con trai lớn 5 tuổi của cô. Hoá ra, vì tay của mình bị bôi đắng, cay, không thể gặm, cậu bé đành gặm tay của em trai, khiến em trai bị thối móng cả 10 ngón tay.
Theo bác sĩ Thái, nếu con cái có tật cắn móng tay, các bậc phụ huynh đừng bao giờ mắng mỏ hay ngăn cản. "Bạn càng mắng, trẻ sẽ trốn vào nhà vệ sinh và cắn trộm", bác sĩ nói.
Các phụ huynh có thể sử dụng biện pháp khác, chẳng hạn như mua một chiếc vòng da để con đeo, nếu con muốn cắn thì chỉ cần cắn vào chiếc vòng da, ít nhất bạn có thể thay thế vật bị cắn mà không làm đau tay con.
Nhà tư vấn tâm lý Trương Vỹ Đình cũng giải thích, hiện tượng này xảy ra thường là do tâm lý bất ổn, trẻ muốn đạt được cảm giác an toàn thông qua hành vi này. Điều này có liên quan mật thiết đến trải nghiệm trưởng thành của trẻ, nỗi sợ hãi làm điều gì đó sai trái và bị người thân trong gia đình ruồng bỏ,…với những nỗi sợ hãi cố hữu này, thói quen cắn tay được hình thành trong vô hình.
Ngoài các vấn đề về thẩm mỹ, cắn móng tay còn có thể gây viêm và sưng ngón tay, trong trường hợp nghiêm trọng, còn gây nhiễm trùng da do vi khuẩn hoặc vi rút và có thể dẫn đến viêm mô tế bào. Ngoài ra, khi bạn cắn móng tay, có khả năng cao ăn phải mầm bệnh (chẳng hạn như vi khuẩn) trên tay. Vì vậy, các bậc phụ huynh phải đặc biệt chú ý.