Cuộc hôn nhân của tôi và Minh đã kết thúc sau 7 năm dài chịu đựng khi hai người không hề có tình yêu, đến với nhau chỉ vì sự sắp đặt của gia đình, mối quan tâm duy nhất của 2 đứa là con trai 5 tuổi, đứa bé tên là An.
Chúng tôi đều xuất thân từ gia đình thuần nông, không có tài sản gì đáng giá và vẫn phải thuê nhà để duy trì cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày. Nhưng điều tồi tệ rằng khi ly hôn thì anh đã dành quyền nuôi đứa con trai của chúng tôi. Anh hứa sẽ chăm lo cho nó chu đáo và cả gia đình anh cũng vậy. Minh nói đứa bé là máu mủ của gia đình, nên đã khuyên tôi nhường quyền nuôi đứa con cho anh. Áp lực từ tất cả mọi phía khiến tôi không còn cách nào khác đành để đứa con bé bỏng theo gia đình nhà chồng.
|
(Ảnh minh họa) |
Sau khi ly hôn tôi đã ra nước ngoài lao động và mỗi tháng vẫn gửi 5 triệu đồng về cho chồng cũ. Tôi không bao giờ quên dặn dò tỉ mỉ rằng hãy chăm sóc bé An thật tốt. Khi nhận được tiền anh đều hứa chắn chắn sẽ dùng nó để lo cho con trai, tôi không cần phải lo lắng gì cả. Nghe được những lời như vậy tôi cũng yên tâm phần nào, tập trung làm ăn.
Dù lao động vất vả ở nơi xứ người nhưng tôi luôn có ý định về thăm con mỗi dịp nghỉ phép. Dù không được nuôi con nhưng tôi vẫn muốn gặp và dành tặng cho bé những món quà mà nó thích nhất. Đây cũng là cách tôi muốn bù đắp cho con phần nào đó.
Tuy nhiên, ông bà nội bé An không cho phép tôi làm việc đó, họ làm đủ mọi cách để ngăn tôi tiếp cận bé, họ sợ rằng tôi sẽ tận dụng cơ hội để đưa bé đi. Nhưng thực tế tôi đang làm việc ở nước ngoài, việc đưa bé đi là không thể. Nhưng quan niệm cổ hủ, suy nghĩ tiêu cực của ông bà bé đã khiến ý định gặp con của tôi bị đổ bể.
Trải qua một thời gian dài làm việc, tôi đã trở về nhà trong một lần nghỉ phép và việc đầu tiên tôi nghĩ tới là đến thăm con. Nhưng vì bố mẹ chồng cũ không cho phép nên tôi chỉ dám đứng ngó ở ngoài cổng, mong được thấy bé một lần. Và thật may mắn, khi tôi vừa đến được không lâu thì đã thấy bé An và bố ra chơi ở sân. Tôi liền chạy đến ôm chầm lấy bé trong niềm hạnh phúc vô bờ.
Sau đó, chúng tôi đã đi chơi dạo ở quanh công viên và đưa con tới khu vui chơi. Ở đây có rất nhiều trò chơi thú vị và tôi biết rằng An rất thích. Nhưng có một điều lạ là tính tình của con trai tôi trở nên trầm lắng hơn ngày trước, và nhất định chỉ chọn chơi trò chơi kém thú vị nhất, rẻ tiền nhất mà không đứa trẻ nào thèm chơi cả. Tôi thấy con rất chăm chú nhìn những trò chơi khác nhưng dường như có rào cản vô hình nào đó khiến bé không dám nói lên điều mình mong muốn. Nhưng dù sao bé cũng chơi rất vui và tôi hạnh phúc với điều đó. Cũng một phần không muốn suy nghĩ quá nhiều vì thời gian dành cho con trai của tôi không còn nhiều.
Chơi xong trò chơi tôi và chồng cũ dẫn bé đến khu nghỉ ngơi để lấy đồ uống. Vừa ngồi xuống tôi đã đi tới mua cho con trai loại nước ngọt nó rất thích từ nhỏ, nhưng nó chỉ nhẹ nhàng đặt lại chỗ cũ và lựa chọn chai nước rẻ tiền nhất. Tôi liền ngồi xuống hỏi con trai rằng:
- Sao con lại không uống? Đó là loại nước con rất thích mà.
- Con không bao giờ được uống những đồ uống đắt tiền đó nữa... vì bố không cho phép... Bố nói bố không có tiền - con trai tôi vừa nói vừa nước mắt rưng rưng.
Tôi liền ôm con trai vào lòng và bực tức hỏi chồng cũ mình:
- Tại sao lại đối xử với con trai tôi như vậy? Số tiền tôi vẫn gửi về hàng tháng ở đâu? Tới một chai nước ngọt con thích anh cũng không mua nổi. Anh đã làm gì với số tiền đó?
Chồng cũ của tôi chỉ biết cúi mặt xin lỗi. Hóa ra toàn bộ số tiền tôi gửi về anh ta đều sử dụng để ăn chơi, nhậu nhẹt hết. Chồng cũ còn mặt dày tới mức hỏi tôi có thể cho anh ta vay một khoản tiền được không, vì anh ta đang thiếu nợ. Tôi quá thất vọng vì những gì Minh đã làm với con trai của chúng tôi.
Về nhà tôi ngay lập tức ra tòa đòi quyền nuôi con, tôi thà chịu sự cay nghiệt của bố mẹ chồng, không sang nước ngoài làm nữa mà ở nhà làm thuê chăm con còn hơn để con mình phải chịu sự khổ cực như bây giờ.
Tôi đã sai khi không thể cho con trai mình lớn lên có tình yêu thương của bố và mẹ. Nhưng càng sai hơn khi không thể cho bé có cuộc sống ổn định nhất. Tôi sẽ thay đổi và dành tất cả sự yêu thương của mình để bé được lớn lên trong hoàn cảnh tốt nhất.