Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) cho biết, ngày 5/6, bé Nguyễn Quốc Đạt (4 tuổi, Bắc Ninh) được gia đình đưa đến nhập viện trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải.
Trước đó 3 ngày, bệnh nhi xuất hiện sốt cao 40 độ C. Gia đình đã cho bé dùng thuốc hạ sốt nhưng không hiệu quả. Hôm sau, bé li bì, co giật nhiều nên gia đình đưa đến BV Nhi TƯ cấp cứu trong tình trạng hôn mê, liệt nửa người phải.
Sau khi tiến hành thăm khám, chọc dịch não tủy, làm các xét nghiệm, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm não Nhật Bản. BV đã cho bệnh nhi thở oxy, dùng thuốc chống phù não. Hiện bệnh nhi đã tỉnh táo, không còn sốt nhưng có di chứng vận động.
|
Bác sĩ BV Nhi TƯ đang điều trị cho trẻ bị viêm não Nhật Bản
|
Nằm cùng phòng với Đạt là bé Đào Khánh Long (7 tuổi, ở Nghệ An). Gia đình cho biết, trước đó bệnh nhi đột ngột sốt cao 39 độ C nên đã cho uống thuốc hạ sốt. Hai ngày sau đó, bé liên tục kêu đau đầu, đau hốc mắt, có biểu hiện sợ ánh sáng nên gia đình đưa bé vào BV Đa khoa Nghệ An và được xác định bị viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhi sau đó được tiến hành điều trị kháng sinh, chống phù não nhưng sức khỏe không tiến triển. Sau 3 ngày, bé xuất hiện hôn mê, thở ức chế. Các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và cho bệnh nhi thở máy rồi chuyển đến BV Nhi TƯ trong tình trạng liệt vận động toàn thân. Tại đây, các bác sĩ tích cực can thiệp bằng thở máy, thuốc chống viêm, chống phù. Đến nay, tình trạng của Long có cải thiện hơn nhưng bệnh nhi đã xuất hiện những di chứng nặng như liệt cơ hô hấp, liệt tứ chi.
Theo thông kê, từ đầu năm 2017 đến nay, khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) đã tiếp nhận 176 ca viêm não, trong đó có 24 trường hợp là viêm não Nhật Bản. Chỉ riêng từ đầu tháng 6/2017 đến nay đã có 21 trẻ nhập viện.
Cẩn trọng đề phòng
Theo bác sĩ Lâm, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính lây truyền qua đường máu do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Loại muỗi Culex tritaeniorhynchus là vật chủ trung gian gây bệnh cho người.
Viêm não Nhật Bản được xem là một trong những bệnh nguy hiểm, có tỉ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (từ 25% đến 35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Bệnh có thể diễn ra quanh năm nhưng cao điểm từ tháng 5 đến tháng 9. Hiện nay, tuy đa số trẻ đã được tiêm phòng đầy đủ nhưng vẫn còn rải rác các trường hợp trẻ mắc bệnh do sức đề kháng kém, chưa tiêm vaccine phòng bệnh hoặc tiêm không đủ số mũi.
Khi bị bệnh, bệnh nhân đột ngột sốt cao 39 độ C, đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu, lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi ngoài phân lỏng, đau bụng, nôn, thậm chí rơi vào tình trạng hôn mê sâu với rối loạn các chức năng sống.
Bệnh nhân có thể xuất hiện những biến chứng sớm như: Viêm phế quản, viêm phổi hoặc viêm phế quản – phổi do bội nhiễm hoặc viêm bể thận, bàng quang do thông tiểu hoặc đặt sonde dẫn lưu; loét và viêm tắc tĩnh mạch do nằm lâu và rối loạn dinh dưỡng. Những di chứng sớm có thể gặp là bại hoặc liệt nửa người, mất ngôn ngữ, múa giật, múa vờn, rối loạn phối hợp vận động, giảm trí nhớ nghiêm trọng, rối loạn tâm thần, vận động.
Hiện tiêm vaccine là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Tiêm 2 lần cách nhau từ 7 đến 14 ngày, sau đó 1 năm nhắc lại mũi thứ 3, cứ mỗi 3-4 năm tiêm nhắc lại/lần. Ngoài ra, người dân cần ăn uống hợp vệ sinh, tập thể dục nâng cao thể trạng, nằm màn tránh muỗi đốt; vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi và bọ gậy…
>>> Mời quý độc giả xem video clip.