"Bữa nay ba ăn gì rồi, bên con có thịt, có cá đầy đủ lắm nè".
Từ khu cách ly ở bệnh viện dã chiến thành phố Thủ Đức, Hoàng Vũ Phương Uyên (sinh năm 1999) nhắn tin cho cha, ông Hoàng Trung Long (54 tuổi) đang nằm điều trị Covid-19 tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 (thành phố Thủ Đức).
Đáp lại con gái, ông Long gửi bức ảnh mình bên khai cơm trưa vừa nhận được trong bệnh viện. Để người nhà đỡ lo lắng, ông cũng không quên "báo cáo" sau khi gắng ăn hết cơm và thức ăn.
|
Phương Uyên điều trị ở bệnh viện dã chiến tại thành phố Thủ Đức.
|
Hơn một tháng trước, hai cha con Phương Uyên nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Vì Uyên có triệu chứng nhẹ, trong khi cha cô có dấu hiệu trở nặng nên hai cha con được đưa đi điều trị tại hai bệnh viện khác nhau.
Từ ngày nhập viện, Uyên lập một nhóm chat gia đình để liên lạc với người thân ở nhà, đồng thời động viện tinh thần bố. Ngày nào, cô cũng nhắn tin hỏi tình trạng sức khỏe, ăn uống và gửi cả mấy câu chuyện đùa, hình ảnh hài hước cho ông Long.
"Ba mình lớn tuổi và từng đọc nhiều tin tiêu cực nên lúc đầu lo sợ lắm. Mình thì ngược lại rất lạc quan và luôn tin cả hai sẽ vượt qua được. Ngày nào mình cũng nhắn tin động viên, tấu hài nên dần dần ba cũng vui vẻ, tích cực hơn nhiều", Phương Uyên nói với Zing.
Bình tĩnh đối mặt
Thông thường khi bị cảm, Phương Uyên (sinh viên ĐH Nông Lâm TP.HCM) chỉ cần uống thuốc tầm 3-4 hôm là khỏi.
Tuy nhiên, khoảng một tháng trước, các dấu hiệu như mệt, chóng mặt, lừ đừ, ngứa cổ họng mãi không giảm dù đã uống thuốc.
Cùng lúc này, ông Long (trú ở quận 10) cũng bắt đầu đổ bệnh theo con gái. Ông có triệu chứng nặng hơn như sốt cao và cả khó thở.
"Nhiều ngày trước đó, cả gia đình mình chỉ ở nhà và tiếp xúc với shipper nên lúc đầu mình không hề nghĩ bản thân mắc Covid-19. Tuy vậy, để chắc chắn, hai ba con mình đã thử test nhanh. Nhận kết quả dương tính mình khá hoang mang nhưng cố ổn định tinh thần để xử lý ổn thỏa".
Sau khi báo cáo lên phường, cả gia đình Uyên được y tế xuống test PCR. Kết quả, hai cha con Uyên đều dương tính. Ba người còn lại gồm bà nội, mẹ và em gái cô âm tính.
|
Phòng điều trị của Phương Uyên và các F0 khác.
|
"Ngay sau đó, mình được đưa đi cách ly ở bệnh viện dã chiến. Bố mình vì khó thở nên được chuyển sang điều trị ở Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2. Lúc này, mình không còn hoang mang vì đã đoán trước được kết quả. Mình động viên cả nhà bình tĩnh đối mặt vì muốn hay không cũng dương tính rồi".
Sau hơn một tuần ở bệnh viện dã chiến, Uyên không còn đau họng, ho, sổ mũi mà chỉ còn ít đàm trong cổ họng. Cô luôn cố gắng ngủ sớm, ăn đủ bữa, uống nhiều nước ấm và nghe theo mọi lời khuyên của các y bác sĩ.
Còn tại Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, 3 ngày sau khi được bác sĩ cho uống thuốc và truyền dịch, ông Long dần khá hơn, không cần thở máy và được chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 1 ở Khu đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM.
Ngày 9/8, Phương Uyên được xuất viện. Ngay ngày hôm sau, ông Long cũng trở về nhà. Sau gần một tháng kiên trì chiến đấu, cuối cùng cả gia đình đã có thể đoàn tụ và thở phào nhẹ nhõm.
Còn vài ngày nữa là hết thời gian tự cách ly tại nhà, cả hai cha con Uyên đều gần như hồi phục hoàn toàn, tình trạng khan tiếng sau khi ra viện cũng đã không còn.
"Hãy chỉ nhìn vào điều tích cực"
Tại bệnh viện dã chiến, Uyên được mọi người bầu làm trưởng phòng cách ly để giữ liên lạc giữa các bệnh nhân với bác sĩ, y tá phụ trách.
Qua đó, cô từng chứng kiến không ít câu chuyện cảm động của các F0.
"Phòng mình có hai cha con anh kia cùng nằm điều trị. Một hôm, anh con trai trở nặng phải vào phòng cấp cứu thở máy. Hai ngày liền không đỡ nên được chuyển viện. Vì lúc đi gấp gáp quá nên không cầm điện thoại để liên lạc. Người cha ở lại lo lắm. May mà mình có được liên hệ của các bác sĩ và dân quân nên nhờ giúp đỡ. Chỉ 5 phút sau khi nhắn tin là họ đã có mặt ở phòng để nhận giao giúp điện thoại", Uyên kể.
|
Phương Uyên cùng mẹ và em gái tiếp sức cho cha chiến thắng Covid-19.
|
Sau nửa tháng sống tại khu cách ly, Phương Uyên thực sự khâm phục và biết ơn các nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu.
"Họ mặc đồ bảo hộ kín như bưng nhưng ngày mấy chục lượt cứ chạy lên chạy xuống cầu thang, hết đưa nước, đưa cơm lại đến chuyển đồ người nhà gửi vào cho bệnh nhân. Nhìn ai nấy mồ hôi mồ kê nhể nhại, không ai là không thương cho được".
Từ kinh nghiệm chiến thắng Covid-19 của bản thân, Uyên cho rằng điều quan trọng nhất đối với F0 là phải giữ được tinh thần vui vẻ, lạc quan.
"Mọi người đừng đặt nặng nó quá, vì bên cạnh còn có gia đình, ai cũng lo cho mình hết. Mình mà còn lo lắng nữa sẽ càng khiến mọi người lo thêm. Hãy chỉ nhìn vào điều tích cực, nhìn vào tỷ lệ những người khỏi bệnh, họ vẫn có thể trở lại cuộc sống bình thường đấy thôi. Hãy nghĩ mình cũng sẽ như thế".