Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng cảm xúc của mọi người có liên quan mật thiết đến thời tiết và môi trường tự nhiên. Nhiệt độ, độ ẩm và ánh nắng mặt trời có thể ảnh hưởng đến tâm trạng và biến động tâm trạng cũng xảy ra vào mùa hè", bác sĩ Tan Zhonglin - trưởng Khoa Rối loạn tâm thần, Bệnh viện Nhân dân thứ bảy Hàng Châu, Trung Quốc nói. "Và nhiều người đến bây giờ vẫn có thiếu hiểu biết về những loại bệnh liên quan tới tâm thần như trầm cảm."
Bác sĩ Tan đã từng nhận một nữ bệnh nhân 16 tuổi bị trầm cảm. Sau khi lên cấp 3, cô bé luôn cảm thấy đang ở trong tâm trạng tồi tệ. Cô bé không thấy vui vẻ khi làm bất cứ điều gì, không muốn giao tiếp với bạn bè cùng lớp và cũng không muốn thấy giáo viên.
Cô bé 16 tuổi không nói chuyện với ai, chỉ ở lì trong nhà. (Ảnh minh họa)
Cô bé bắt đầu tránh tới trường và ở lì trong nhà, không nói chuyện với bất cứ ai. Nhận thấy tâm trạng, cảm xúc của mình có vấn đề, cô bé lo sợ bản thân có thể mất kiểm soát mà suy nghĩ dại dột. Vì vậy, cô bé đã khóc lóc và cầu xin cha mẹ đưa tới bác sĩ tâm thần. Cuối cùng, cô bé được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nặng và được đưa vào bệnh viện để điều trị.
Điều khiến bác sĩ Tan ngạc nhiên đó là trong quá trình giao tiếp với cha của bệnh nhân, từ “trầm cảm” dường như không tồn tại trong từ điển của cha cô bé. “Ông bố luôn cảm thấy con gái cố tình gây sự chú ý. Ông tin rằng con gái mình bình thường, con bé chỉ là có tâm trạng không vui hoặc đang đến kỳ kinh nguyệt hay đến thời điểm nổi loạn của vị thành niên chứ không cần phải đến bác sĩ tâm thần”, bác sĩ Tan nói.
Bác sĩ Tan nhắc nhở các bậc cha mẹ phải hiểu biết nhiều hơn về sự trưởng thành và tâm trạng của con trẻ. Đôi khi cha mẹ có thể nghe thấy con nói những điều khiến họ bất ngờ như tự tử, nhưng hãy cố gắng bình tĩnh lắng nghe con. Đừng đưa ra kết luận chủ quan về nhận thức của con bạn. Xét cho cùng, cha mẹ và con cái là hai cá thể hoàn toàn khác nhau, tuổi thiếu niên mà cha mẹ đã trải qua không giống như tuổi dậy thì mà trẻ đang trải qua.
"Đối với bất kỳ lời nói và hành vi bất thường nào của trẻ em, hãy đủ nhạy cảm để đưa con bạn đến bác sĩ kịp thời, thay vì từ chối hoặc thậm chí tức giận bởi vì bạn không hiểu chúng”, bác sĩ Tan nhắc nhở.
Dù con gái được chẩn đoán bị trầm cảm nhưng người cha vẫn không hề tin. (Ảnh minh họa)
Dấu hiệu trầm cảm của trẻ
Trầm cảm không phải là bệnh chỉ dành cho người lớn. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể mắc trầm cảm. Trẻ em có thể không được chẩn đoán và không được điều trị vì cha mẹ và người chăm sóc có thể không nhận ra các dấu hiệu của rối loạn.
Trẻ em bị trầm cảm thường trải qua nhiều triệu chứng trầm cảm giống như thanh thiếu niên và người lớn. Tuy nhiên, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thể hiện bản thân và những cảm xúc này vì vốn từ vựng cảm xúc hạn chế. Một số dấu hiệu trẻ bị trầm cảm, cha mẹ cần lưu ý:
- Ít quan tâm hơn tới các hoạt động mà trước đây các em đã từng vui thích.
- Thiếu sinh lực và sự nhiệt tình, và thường xuyên cảm thấy chán nản;
- Khó tập trung chú ý;
- Có những thay đổi về khẩu vị hoặc cân nặng;
- Xa lánh người lớn, giao tiếp kém;
- Thường cảm thấy tuyệt vọng, vô dụng, có lỗi hoặc tự ti;
- Thường nghĩ tới cái chết, có thể tự gây tổn hại cho bản thân, hoặc tự tử;
- Luôn cảm thấy khó chịu trong cơ thể như đau đầu, nhức mỏi cơ, đau bụng, hoặc mệt mỏi;
- Có tâm trạng tức giận, cáu gắt, thù hận hoặc các hành vi nguy hiểm nghiêm trọng hơn;
- Bật khóc, la hét, kêu la hoặc cáu giận mà không rõ nguyên nhân;
- Thường xuyên nghỉ học hoặc có kết quả học tập kém.
Trẻ bị trầm cảm, người lớn phải làm gì?
1. Nói chuyện với con của bạn. Mặc dù có thể khó khăn, hãy cố gắng nói chuyện với con bạn về những gì chúng cảm thấy và trải nghiệm. Một số trẻ sẽ mở lòng và điều này sẽ giúp bạn hiểu những gì đang xảy ra.
2. Ghi chép. Nếu con bạn không nói chuyện với bạn, hãy ghi nhật ký những thay đổi và dấu hiệu có thể quan sát được. Điều này có thể giúp bác sĩ nhìn thấy xu hướng hành vi.
3. Nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Đầu tiên bác sĩ của con bạn sẽ muốn loại trừ các vấn đề về thể chất có thể giải thích cho các triệu chứng. Điều này có thể yêu cầu một loạt các xét nghiệm máu và kiểm tra thể chất.
4. Tìm một chuyên gia. Nếu bác sĩ nhi khoa của bạn tin rằng vấn đề là một rối loạn tâm trạng như trầm cảm, họ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia, chẳng hạn như một nhà tâm lý học hoặc bác sĩ tâm thần.