Tôi lớn lên trong tình yêu thương của bố mẹ. Gia đình tôi khá giả, bố mẹ tôi lại chỉ sinh được hai con gái nên điều ông bà luôn trăn trở là lo cho chị em tôi ăn học đàng hoàng.
Năm 25 tuổi, tôi quen Trí. Anh hơn tôi 3 tuổi, là một người đàn ông tâm lý, chịu khó và cũng có máu làm giàu. Bạn bè tôi ai cũng khen anh chững chạc, đàng hoàng khiến tôi rất vui và cảm thấy may mắn có được người yêu như vậy.
Trí kể quê anh ở một vùng nông thôn, anh lớn lên trong sự khó khăn và vất vả nên từ nhỏ đã tự nhủ phải cố gắng học thật tốt để sau này có cơ hội báo hiếu bố mẹ và lo cho vợ con. Bố mẹ làm nông nghiệp là chính lại nuôi 3 đứa con ăn học nên nhà anh rất nghèo khó.
Mẹ tôi kịch liệt phản đối tình yêu của tôi và Trí vì lo gia cảnh, hoàn cảnh sống của chúng tôi quá khác nhau, sợ tôi sẽ là người thiệt thòi, không hạnh phúc.
Sau đó, bố tôi biết chuyện thì cũng phản đối bởi ông lo con gái làm dâu nhà nghèo sẽ khổ lắm.
Thế nhưng, hôm tôi đưa Trí về ra mắt, bố tôi hỏi về con người anh rồi cảm thấy hài lòng, thậm chí ông còn khen Trí thật thà và bản lĩnh.
Về phần gia đình Trí, tôi đã nhiều lần về nhà anh. Gia đình anh tuy khó khăn nhưng luôn vui vẻ hạnh phúc, mọi người thương yêu nhau. Biết mẹ tôi không ủng hộ nên chúng tôi bảo nhau phải cố gắng nhiều hơn.
Chứng kiến sự kiên trì của chúng tôi, cuối cùng thì mẹ tôi cũng đồng ý cho chúng tôi kết hôn. Thế nhưng, quả thật, khi chuẩn bị ăn hỏi và làm đám cưới thì tôi mới thấm vì sao mẹ tôi từng phản đối gay gắt như vậy.
Mẹ chồng tôi là nông dân nên tư duy của bà cũng hết sức nông dân, cái gì cũng tiết kiệm và tiết kiệm hết mức. Bà bảo chúng tôi chụp ảnh cưới nhiều làm gì cho tốn tiền, chỉ cần vào hiệu ảnh chụp hai tấm và phóng lớn để ở hai bên gia đình là được rồi. Tôi nói với Trí rằng cả đời chỉ cưới có một lần nên chụp ảnh cưới cũng phải đàng hoàng giống mọi người khiến mẹ chồng không hài lòng.
Ngay cả tráp ăn hỏi bà cũng quá tiết kiệm khiến tôi phát cáu. Bà nói thời đại này chẳng còn ai thích kẹo bánh hay nước ngọt, tráp ăn hỏi cũng là hình thức tốn tiền nên chỉ cần 5 tráp là được, thậm chí chỉ để một lượt đồ thật ở ngoài còn bên trong là xốp kê đệm cho nhẹ. Vậy nhưng gia đình tôi lại muốn có 7 tráp lễ như các nhà hàng xóm từng làm cho trang trọng một chút. Có mỗi chuyện đó mà hai bên cũng cãi nhau mấy ngày mới quyết được.
Điều khiến tôi sốc nhất là khi nhà người ta có con trai lấy vợ, mẹ tặng vàng bạc, trang sức... còn mẹ chồng tôi lại tặng chúng tôi nhõn một chiếc chăn loại xoàng. Vậy mà hôm cưới bà còn mang chăn lên tận sân khấu trao cho vợ chồng tôi làm tôi ngượng với đám bạn.
Mang chiếc chăn ấy về, tôi chán chẳng buồn mở ra xem, nhìn cái màu gì mà hồng hồng hồng tím tím, đúng là hàng chợ. Tôi ném chiếc chăn vào tủ rồi bảo chồng lấy chiếc chăn hôm trước tôi mua ra để dùng.
Kể từ đó tôi không vừa ý với mẹ chồng chút nào cả nên mỗi khi có giỗ chạp gì tôi mới về quê chồng. Tôi chán ngán bài ca mà mẹ chồng nhắc nhở “con nên tiết kiệm hơn”....
Gần 2 năm sau khi tôi sinh con đầu lòng thì mẹ chồng lên thành phố để giúp tôi trông con. Đúng lúc này công việc của chồng gặp biến cố, tôi phải bán cả số vàng mẹ đẻ cho hôm cưới để đưa cho chồng nhưng vẫn không đủ.
Thấy vợ chồng tôi túng thiếu chưa biết vay ai, mẹ chồng mới hỏi xem chiếc chăn bà cho hôm cưới tôi đã dùng lần nào chưa. Lúc ấy tôi mới lôi chiếc chăn từ trên tủ xuống, thì ra trong đó mẹ chồng có để 200 triệu. Bà bảo hồi đó cho chúng tôi để làm vốn nhưng muốn tạo bất ngờ, tránh khoe mẽ nên để vào trong chăn.
Cầm số tiền 200 triệu trong tay, tôi hiểu cuộc sống nông dân như bố mẹ chồng đã rất vất vả để có số tiền này, và tất nhiên phải rất tiết kiệm mới có. Tôi nghĩ mình đúng là phải tiết kiệm hơn để dự phòng cho những lúc biến cố thế này.