Có thực cưới hai lần sẽ tranh khỏi đổ vỡ?

Google News

Lo ngại hôn nhân đổ vỡ, gần đây, nhiều đám cưới tổ chức đón dâu hai lần (cưới hai lần) vì cưới vào tuổi Kim Lâu hoặc do cô dâu sinh vào năm... cao số. 

Xinh đẹp, tháo vát, công việc có thu nhập khá nên khi ra mắt, T. (TP Hà Tĩnh) được bố mẹ chồng tương lai chào đón nồng nhiệt. Tuy nhiên, sau khi hỏi tuổi, biết cô sinh năm 1993 (Quý Dậu), mẹ chồng tương lai sa sầm mặt rồi bỏ lên nhà nằm. Bà bị ám ảnh bởi câu: “Gái Đinh, Nhâm, Quý…”. Sau đó, bà cho biết, khi đi xem bói, thầy phán con trai bà nếu lấy vợ năm Quý thì “tan đàn sẻ nghé”. Bà chỉ sinh được một đứa con trai, không thể đánh bạc với trời như vậy. Nhưng đôi bạn trẻ quá yêu nhau nên hai gia đình không còn cách nào khác là phải tổ chức đám cưới hai lần để mong hóa giải tuổi xấu.
 
Chị N.T.H (xã Cẩm Duệ, Cẩm Xuyên) dạo này gầy rộc hẳn đi vì lo chuẩn bị ngày cưới cho cô con gái rượu. Người ta sắp có con rể thì vui mừng, phấn khởi, còn chị H. cả mấy tuần không ngủ được vì lo cho con cưới hai lần. Chị H. chia sẻ, cô con gái chị sinh năm 1989 (Kỷ Ty ), yêu một bạn trai khác xã sinh năm 1986 (Bính Dần). Là người rất chú trọng chuyện tuổi tác, chị đã nhiều lần gây áp lực bắt con gái chia tay người yêu nhưng con gái không chịu.
Cuối cùng, chị H. đành chấp nhận một cuộc hôn nhân “tứ hành xung”, với điều kiện nhà trai phải hứa sẽ tổ chức đón dâu... hai lần! Sở dĩ có chuyện lạ lùng như vậy là do khi chị đi xem ngày để cưới cho con thì thầy bói phán rằng: “Muốn hóa giải những trắc trở của cuộc hôn nhân “tứ hành xung” này thì cần phải cưới hai lần”. Cũng biết lắm sự lôi thôi rách việc nhưng cũng vì hạnh phúc của các con mà hai bên đành… tặc lưỡi.
Gọi là cưới hai lần nhưng thực chất như một cuộc “chia tay trước” để sau này hai vợ chồng sẽ không bỏ nhau. Lần đón dâu thứ nhất, sẽ được giản tiện hơn lần cưới thứ hai, tức là cưới chính. Tuy nhiên, nó cũng khá tốn kém. Gia chủ phải mời đầy đủ những người đứng đầu các chi của một dòng họ, bà con họ hàng thân thiết để chứng kiến lễ thành hôn của đôi trai gái. Chi phí cho một lần “cưới nháp” cũng bằng một phần ba đám cưới chính.
Tuy nhiên, từ xưa tới nay, quan niệm về đám cưới của người Việt chỉ phổ biến 3 nghi lễ chính là: Dạm ngõ, ăn hỏi và đám cưới. Việc đón dâu hai lần hoàn toàn chỉ mang tính chất tục lệ của địa phương, nhuốm màu sắc mê tín và không nằm trong văn hóa truyền thống của người Việt. Thực tế, hạnh phúc gia đình chỉ bền vững khi hai bên biết thương yêu, chia sẻ và vun đắp cho mái nhà chung.
Theo Ngân Giang/Báo Hà Tĩnh

>> xem thêm

Bình luận(0)