Rebecca Sharrock, 27 tuổi, sinh trưởng tại Brisbane, là một trong số 80 người trên thế giới mắc hội chứng Trí nhớ siêu phàm (HSAM).
Hội chứng này cho phép cô có được trí nhớ cực kỳ tốt, giúp cô nhớ lại từng chi tiết nhỏ trong cuộc đời mình, chẳng hạn như những món quà mà cô nhận được trong ngày sinh nhật đầu tiên.
HSAM cũng cho phép Sharrock lưu giữ thông tin một cách rất chính xác - cô có thể nhớ lại cả bộ truyện Harry Potter chính xác đến từng từ.
Tuy nhiên, HSAM cũng khiến người ta không bao giờ quên được những ký ức đau buồn, từ các cuộc chia tay đến những mất mát khác, thậm chí còn ghi nhớ chúng một cách hết sức sống động.
|
Rebecca Sharrock, cô gái có trí nhớ siêu phàm. (Nguồn: dailymail) |
Trong bài blog trên trang blog Omni mang tên “Tôi có thể nhớ lại từ hồi mình còn là một đứa trẻ mới sinh,” Sharrock đã chia sẻ rằng ký ức đầu tiên của cô là từ khi cô mới 12 ngày tuổi, và mô tả lại một lần cha mẹ cô đặt cô vào ghế lái xe trên xe ôtô và chụp ảnh.
“Khi là một đứa trẻ mới sinh, tôi rất tò mò không biết lớp da bọc đệm ghế và tay lái trên đầu tôi là cái gì. Tuy nhiên ở tuổi đó, tôi vẫn chưa phát triển được khả năng muốn ngồi dậy và khám phá xem chúng là những vật gì,” cô viết.
Sharrock cũng mô tả cách cô nhìn các món đồ chơi trong cũi và chiếc quạt bên giường, chiếc váy “satin ngứa ngáy” mà cha mẹ cô cho cô mặc trong ngày sinh nhật đầu tiên, và một món đồ chơi nhồi bông hình chuột Minney khiến cô “rất sợ hãi.”
Sharrock còn cho biết vào khoảng 18 tháng tuổi, cô bắt đầu biết nằm mơ.
Để giúp hiểu rõ hơn về trí nhớ con người, Sharrock hiện đang tham gia vào 2 nghiên cứu về ký ức với các nhà khoa học Mỹ và Australia. Cô hy vọng nghiên cứu sẽ giúp ích được cho những người gặp vấn đề về trí nhớ, trong đó có bệnh mất trí.
Sharrock không phải là người duy nhất mắc chứng HSAM từng chia sẻ câu chuyện của mình. Alexandra Wolff, một cô gái 25 tuổi đến từ Maryland, Mỹ, đã chia sẻ với NPR trong một cuộc phỏng vấn rằng HSAM có cảm giác giống như “du hành thời gian” vậy.
Cô cho biết mình có thể nhớ mọi thứ cô từng nghe và cảm thấy trong một ngày, “thậm chí cảm giác ốm đến buồn nôn hay cảm giác đau đầu.”
Điều này cũng có nghĩa là Wolff có thể sống lại những khoảnh khắc vui vẻ nhất trong cuộc đời mình tới từng chi tiết, và thường làm vậy một mình trong phòng.
“Điều đó có sức hấp dẫn rất lớn. Nếu không có việc phải làm trong ngày, tôi có lẽ có thể sống trong quá khứ 24/7,” cô chia sẻ.