Sáng nay đang ngủ, tôi bị đánh thức bởi cuộc gọi của cô em 9X thân thiết. Em chia sẻ băn khoăn về việc chụp ảnh cưới.
Cô em gái của tôi chuẩn bị cưới vào tháng 11 tới đây, em đã có kế hoạch cho mọi khâu từ đặt may váy, tổ chức tiệc, mua nhẫn... nhưng điều khiến em suy nghĩ nhất là có nên chụp ảnh cưới trước hay không.
Em tâm sự với tôi, em nửa muốn chụp nửa lại không. Nếu chụp sẽ có một kỉ niệm để đời và có quyển album để khoe mọi người trong đám cưới. Nhưng em băn khoăn nghĩ đến việc bỏ ra cả cả chục triệu đồng, bao nhiêu công sức chỉ để đổi lấy mấy tấm ảnh được giở ra xem một vài lần.
|
Ảnh: English-heritage |
Theo kinh nghiệm của nhiều đôi, ảnh cưới chỉ háo hức lúc chụp và lúc cưới, chứ cưới về rồi số lần giở ra ngắm nghía chắc đếm trên đầu ngón tay. Thế nên em đang nghĩ, tiền đấy mà để hai vợ chồng đi du lịch chắc cũng đi được không ít nơi đẹp.
Em cũng nói, ở một số nước phương Tây, người ta chỉ chụp ảnh kỷ niệm vào đúng ngày cưới chứ chẳng mấy đôi tha lôi nhau đi bao ngày để chụp một loạt ảnh chẳng dùng làm gì sau khi cưới xong.
Tháng trước, tôi đi cà phê với chị bạn. Chị vừa trải qua cuộc hôn nhân 10 năm theo lời chị là “nhạt như nước ốc”. Vì không còn thể cứu vãn, họ đành chia tay. Điều chị lăn tăn trong cuộc ly hôn này không phải là những đứa con, con gái chị nhất nhất đòi theo mẹ bởi lâu nay một tay chị chăm con.
Chị cũng không tranh chấp gì tài sản khi anh quyết định ra đi để lại căn nhà cho hai mẹ con. Những thứ lớn lao họ giải quyết một cách êm thấm vậy mà chị lại băn khoăn bởi một tấm ảnh cưới.
Chị kể, cách đây 10 năm, dù không có nhiều tiền nhưng hai anh chị cũng vay mượn để có những tấm ảnh để đời. Họ háo hức tự trang điểm, tự mua đồ… để có bức ảnh đẹp nhất. Cũng như bao cặp đôi khác, họ hoan hỉ in ra 3 bức, 2 bức treo trong nhà nội, ngoại ở quê và 1 bức ở phòng ngủ của vợ chồng.
Chị kể, tấm ảnh cưới đó theo anh chị từ căn phòng trọ ẩm thấp đến căn nhà cấp 4 đầu tiên họ xây được cuối cùng là một căn nhà 3 tầng khang trang, rộng rãi. Nhưng rồi tấm ảnh cưới cũng chẳng còn ý nghĩa khi họ quyết định cùng nhau ra tòa.
|
Không ít bức ảnh cưới bị chủ nhân bỏ đi. Ảnh: Dân Việt |
Nó lại trở thành trở ngại tâm lý đối với chị. Anh chồng ra đi nhất quyết không mang bức ảnh đó theo, chị để lại căn nhà cũng không tiện. Chị chẳng muốn có bất cứ thứ gì liên quan đến tình cũ, chồng cũ. Xé bỏ không được, đốt không xong cuối cùng một buổi chiều chị quyết tâm bọc nó lại bằng những tờ báo cũ. Chị chờ cả chiều, nghe tiếng kẻng của đẩy xe rác, chị vác tấm ảnh chạy ù ra, vất lên xe.
Bằng giọng tiếu lâm pha chút chua chát chị kể, chị phải đeo khẩu trang để người ta đỡ dị nghị dù tấm ảnh đã bọc rất kỹ. Xong xuôi chị chạy vù vào nhà thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Chị nói, hay ho gì chuyện vứt ảnh cưới?
Chụp ảnh cưới không biết xuất phát từ bao giờ và ở đâu. Thế hệ như chúng tôi dù khó khăn đến mấy đám cưới không thể thiếu album cưới bởi bạn bè xung quanh ai cưới cũng đi chụp ảnh. Người ta chụp nhiều quá đến lượt mình nó trở thành một cái gì đó bắt buộc.
Khi nghe tin báo cưới, ai cũng hỏi chụp ở đâu, dự định thế nào, gói bao nhiêu tiền? Nhưng thật lòng người trong cuộc, có bao nhiêu người thấy phiền phức?
Nên tôi nghĩ, các bạn trẻ thôi đừng làm việc vô ích đó nữa. Thay vì cả ngày trời lăn lộn mệt nhoài chụp ảnh, tốn không ít tiền hãy dành dùng nó để làm một điều gì thiết thực hơn.