Chuyện về người chuyển giới: “Xin đừng quên tôi“

Google News

(Kiến Thức) -“Người chuyển giới thường gắn với hình ảnh nam ăn mặc như nữ hoặc ngược lại. Nhưng thế giới của họ lớn hơn rất nhiều so với những gì mà ta thấy."

Chuyện của Bi
Bi Nguyễn là một người đàn ông. Nhưng trước kia, anh ấy là một cô gái có tên khai sinh là Nguyễn Thị Ái Xuân. Từ nhỏ, Bi đã ý thức mình là con trai nên hay vào nhà vệ sinh nam và chỉ chơi với các bạn nam.
Chuyen ve nguoi chuyen gioi: “Xin dung quen toi“
 
Càng lớn, Bi càng lộ rõ những đặc trưng tính cách của nam giới. Xong đại học, ra trường Bi đi xin việc. Anh nộp trên 50 bộ hồ sơ đến trên 50 công ty nhưng nhà tuyển dụng đều từ chối khi xem mục giới tính.
Bi cho biết: Có những lần đi xin việc, nhà tuyển dụng nhìn mình với ánh mắt khinh thường. Họ cười khẩy với nhau như chế giễu rồi từ chối với thái độ, đại để đuổi mình đi cho khuất mắt.
Chuyen ve nguoi chuyen gioi: “Xin dung quen toi“-Hinh-2
 

Chuyen ve nguoi chuyen gioi: “Xin dung quen toi“-Hinh-3
 Bi Nguyễn, tức Ái Xuân bên bạn gái xinh đẹp. (ảnh do nhân vật cung cấp)
Từ khi yêu một cô bạn gái tên là Như Tú, Bi có thêm động lực. Vì lẽ này, Bi đã lên kế hoạch sang Thái Lan phẫu thuật để hoàn thiện bộ phận sinh dục cho đúng nghĩa là một người đàn ông. Đồng thời, cũng để được thực sự sống với thân hình nam giới, tránh kỳ thị và soi mói của người đời.
Nặng nề về đối xử
Theo kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường thì ở nước ta số người chuyển giới có khoảng trên 270.000 người. Nhưng sự phân biệt đối xử với người chuyển giới quá nặng nề khiến họ gần như tê liệt và không thể tham gia hoạt động với tư cách một công dân bình đẳng.
“Người chuyển giới là một hiện thực. Họ cần và phải được sống đúng với giới tính. Chúng ta không có quyền chối bỏ thực tế đó nhất là khi điều đó không ảnh hưởng đến xã hội. Cái làm chúng ta khó chịu, có chăng là chưa mở rộng khả năng dung nạp sự đa dạng”, ông Huy nhấn mạnh.
Theo số liệu thống kê, tính đến tháng 9/2015 đã có 61 quốc gia trên thế giới hợp pháp hóa việc thay đổi giới tính trên giấy tờ. Phần lớn các nước châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á thừa nhận quyền thay đổi nhân thân sau khi phẫu thuật. Thậm chí, các nước này đang thay đổi theo xu hướng thừa nhận quyền thay đổi giới tính trên giấy tờ ngay cả khi không cần phẫu thuật.
Ông Phan Thanh Nhàn, Trung tâm Open group, một trung tâm nghiên cứu, trợ giúp người chuyển giới bị bạo hành cho biết: Người chuyển giới ở Việt Nam bị bạo hành như cơm bữa.
Điều ấy thể hiện ngay trong học đường: Họ bị bạn bè kỳ thị, tách biệt, thậm chí còn đánh hội đồng chỉ vì “khác mọi người”. Rất ít người chuyển giới học hết bậc phổ thông. Điều đó kéo theo những hệ lụy khác như trình độ thấp, dễ vi phạm pháp luật và gần như không xin được việc làm.
Còn trong gia đình thì phụ huynh đặt quá nhiều kỳ vọng vào đứa con, trong khi đứa con ấy chẳng may “khác người”. Một phút mất bình tĩnh, mất kiểm soát nên dễ dàng có những lời nói, hành động mạt sát làm tổn thương tinh thần và thể chất đối với chính đứa con mà họ sinh ra.
Còn trong công việc thì chính những chủ lao động biết rằng, người chuyển giới không thể kiếm được công việc tốt. Từ đó, họ lợi dụng tuyển người làm với mức lương bèo bọt, không chế độ đãi ngộ, không cần hợp đồng lao động. Thậm chí, nhiều người chuyển giới thường xuyên bị khách cho “ăn đòn” khi phát hiện đó không phải “gái xịn” hay “trai xịn”.
Ông Nhàn phân tích: “Khi một người đã phẫu thuật chuyển giới rồi mà giấy tờ họ vẫn còn ở giới tính cũ, không thay đổi được đúng như giới tính hiện tại thì đồng nghĩa bị tước quyền công dân. Bởi vì, cứ theo giấy tờ tùy thân họ là một người khác chứ không phải là họ bây giờ”.
Ông Nhàn cho rằng, vì không được bình đẳng nên người chuyển giới không được mua bảo hiểm y tế, không đi được máy bay. Chưa kể đến mua nhà mua đất, mua bảo hiểm nhân thọ. Họ chỉ còn nước làm những nghề như ca hát ở hội chợ, đám ma, hớt tóc, diễn kịch... và nhiều khi thất nghiệp sẽ phát sinh các tệ nạn cướp giật, lừa đảo, mại dâm
Cần được thừa nhận
Luật sư Nguyễn Thị Lê, Công ty Luật Fanci cho rằng về mặt pháp lý, mặc dù Bộ luật Dân sự hiện hành chưa trực tiếp thừa nhận việc chuyển đổi giới tính nhưng quyền này đã được gián tiếp thừa nhận tại các quy định về “quyền xác định lại giới tính” (Điều 36). Điều này cho phép “cá nhân có quyền được xác định lại giới tính”.
Chuyen ve nguoi chuyen gioi: “Xin dung quen toi“-Hinh-4
Luật sư Nguyễn Thị Lê. (ảnh do nhân vật cung cấp) 
Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính hay quyền xác định lại họ tên (Điều 27).
Tuy nhiên sự thừa nhận này chỉ giới hạn ở những người “liên giới tính”, hay nói cách khác là những người “bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” về giới tính. Việc giới hạn này xuất phát từ cách hiểu chưa thật đầy đủ về chuyển đổi giới tính với tư cách quyền của công dân và chưa phù hợp với thực tiễn xã hội của vấn đề chuyển giới.
Tại các văn bản pháp luật hiện hành đang hiểu “người bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác” và “người đã hoàn thiện về giới tính” một cách chủ quan, cơ học dẫn đến những quy định này đã không còn phù hợp với thực trạng phát sinh trong đời sống xã hội về việc chuyển giới. Cần phải có sự điều chỉnh đầy đủ và hoàn thiện hơn để điều chỉnh vấn đề này.
Luật sư Lê cho biết: Khi công dân được sinh ra, việc xác định giới tính không phải do ý chủ quan của người đó mà do cha, mẹ, người thân xác định qua những đặc điểm bên ngoài, chủ yếu là bộ phận sinh dục.
Việc xác định này hoàn toàn có thể xảy ra khả năng không chính xác bởi lẽ chỉ dựa vào một đặc điểm bên ngoài mà không có sự xem xét yếu tố tâm sinh lý bên trong cùng với quá trình phát triển tự nhiên của công dân đó. Vì vậy, việc xác định chính xác nhất mình ở giới nào hoàn toàn phải được xác định bởi chính chủ thể theo mong muốn và quyết định của họ.
Trên thực tế có thể sẽ xảy ra trường hợp: Một công dân mặc dù có khiếm khuyết về giới tính nhưng không có nhu cầu xác định lại giới tính hay chuyển giới. Nhưng có người không có khiếm khuyết bên ngoài nhưng lại có nhu cầu chuyển giới. Vì vậy, với thực tiễn đã và đang phát sinh thì việc hoàn thiện quy định pháp luật để điều chỉnh có hiệu quả là cần thiết.
“Ai cũng muốn được sống thật với giới tính của mình. Chúng tôi không phải những kẻ dị hợm, khác người. Nhưng chúng tôi bị đối xử bất bình đẳng. Xin xã hội đừng quên chúng tôi – những người đã không may mắn trong giới tính, thì cũng đừng bắt chúng tôi không được may mắn trong đối xử và ánh nhìn”, anh Bi Nguyễn (tức Nguyễn Thị Ái Xuân).

Rất nhiều người đang nín thở chờ đợi vào ngày 24/11 tới đây, ngày mà Quốc hội sẽ chính thức “có hay không” thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính thành điều 37 trong Bộ luật Dân sự (sửa đổi).

Trần Hòa

Bình luận(0)