Sẽ chẳng ai có thể hình dung ra được một bà cụ bị khuyết tật bẩm sinh, chỉ cao 90 cm lại có thể kết duyên với một ông lão mù, cao hơn 1m70 vào những năm tháng cuối đời. Có lẽ tình yêu là thế, không phân biệt tuổi tác, không khoảng cách, không số phận, chỉ có trái tim hòa nhịp cùng trái tim.
Mối tình muộn mằn nhưng đắt giá
Bà gặp ông và đúng ngày bà rời quê hương mình đến trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh sinh sống. Bà là Đào Thị Lành (71 tuổi, quê ở thị trấn Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên). Sinh ra, bà đã bị dị tật bẩm sinh, chỉ cao được 90 cm.
Vốn đã không được lành lặn như những người con gái khác, bà còn thiệt thòi hơn khi sinh ra chỉ được 1 tháng rưỡi mẹ đã qua đời. Không được sự chăm sóc và yêu thương của người mẹ, bà cũng chẳng có phúc phần được ấm áp trong vòng tay yêu thương của cha.
Chăm sóc bà không được bao lâu, cha của bà cũng mất do tai nạn giao thông. Liên tiếp những đau thương mất mát đổ ập đến thân hình dị tật, nhỏ nhắn của bà. Bà trở thành người khuyết tật, mồ côi cả cha và mẹ.
May mắn, bà được bác dâu mang về nuôi và yêu thương bà như những người con trong gia đình của mình vậy. Tuy bà bị tật bẩm sinh, người rất lùn nhưng bà vẫn minh mẫn và khôn ngoan, có thể làm được hết mọi việc trong gia đình, đối nhân xử thế đâu ra đấy.
Rồi sau đó, khi tuổi đã già, nghĩ mình con cái không có, cũng không thể nương nhờ bác mãi được, bà quyết định xin vào trung tâm bảo trợ xã hội ở Quảng Ninh. Chính nơi đây là cầu nối cho chuyện tình của bà, và nó cũng là bước ngoặt giúp cuộc đời của bà chuyển sang một trang mới, trang đời đầy ắp yêu thương và hạnh phúc.
Bà bảo, bà còn nhớ như in cái ngày bà gặp được ông. Đó là vào 1 ngày tháng 7, năm 2003, lúc ấy bà được cháu đưa đến trung tâm bảo trợ xã hội Quảng Ninh vào buổi sáng. Bà còn bỡ ngỡ lắm, buồn vui lẫn rồi, rồi không biết cuộc sống ở đây thế nào, có dễ thở cho bà sống tiếp phần đời bất hạnh của mình không.
Những suy nghĩ cứ chập chờn ẩn hiện trong đầu của người phụ nữ nhỏ bé này. Ngay buổi chiều hôm đó, ông cũng được gia đình đưa đến trung tâm. Hai ông bà quen nhau trong lúc làm thủ tục nhập phòng, lúc ấy bà cũng chẳng ngờ, người đàn ông mù này sẽ trở thành người bạn tri kỉ của mình cho đến hết đời.
Người đàn ông của bà hơn bà 8 tuổi, ông tên là Lê Văn Phấn (79 tuổi, trú tại xã Hồng Thái Đông, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh). Lúc ông mới sinh ra, đôi mắt của ông đã rất yếu và không có khả năng nhìn thấy.
Sau đó, mẹ của ông cũng mất sớm, bố ông đi lấy người vợ thứ hai. Khi đã đến tuổi trưởng thành, ông được mai mối cho một người phụ nữ đã có 1 đời chồng và một người con riêng.
Sống với nhau được vài chục năm, người vợ của ông cũng đã qua đời. Người con trai của vợ thay mẹ chăm sóc bố chu đáo và tận tình. Vì ông là người đã thay cha nuôi nấng anh, nên anh coi ông như người bố ruột của mình vậy. Hàng tháng, anh con trai ông cũng vẫn đến thăm nom và chăm sóc bố tại trung tâm.
|
Bà Lành hàng ngày dắt ông Phấn đi dạo quanh trung tâm bảo trợ. |
Lúc mới quen, hai ông bà hỏi han nhau, và tâm sự hoàn cảnh của mình. Rồi những ngày sau đó, họ trò chuyện về câu chuyện thường ngày, những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống.
Thế rồi hai trái tim, hai mảnh ghép ấy khép lại với nhau tự bao giờ. Họ đồng cảm với nhau về số phận, họ nhận thấy mình ở trong nhau, và cần có nhau. “Bà không nghĩ mình sẽ lại có được một người chồng, một người cho mình nương tựa và bầu bạn lúc về già. Bà cũng đã có một mái ấm gia đình, dù không trọn vẹn nhưng ấm êm và hạnh phúc”, bà Lành hồ hởi chia sẻ. “ Ông hiền và tốt bụng, ông không uống rượu. Trước đây ông cũng co hút thuốc nhưng từ hồi quen bà, ông cũng bỏ thuốc rồi”
Trọn vẹn hạnh phúc dù chưa một lần mặc áo cưới
Ông bà đến với nhau không cưới hỏi, không rước dâu ầm ĩ, chỉ với một câu hỏi “vụng về” của ông, bà đã gật đầu đồng ý làm vợ. Khi được hỏi ông đã hỏi như thế nào mà bà lại đồng ý nhanh thế?
Ông khẽ gật gù kể lại: “Lúc ấy, cũng ngại ngùng lắm, nhưng ông cũng vẫn quyết tâm để hỏi bà bằng được. Ông bảo: Hoàn cảnh của anh như vậy em cũng biết cả rồi, mắt anh cũng không nhìn thấy gì và mình cũng đã già yếu cả. Nhưng anh thương yêu em thật lòng, mong em đồng ý làm người tri kỉ của anh, làm đôi mắt của anh, mình cùng nhau nương tựa vào nhau sống đến cuối đời”. Lúc đó, nghe ông nói vậy, bà đanh đá bảo : “ Em đồng ý nhưng với điều kiện anh phải cẩn thận, tử tế, làm chồng cho ra chồng. Đừng có hôm nay thế này, mai thế khác là được”.
|
Hai ông bà là hai mảnh ghép khuyết tật nhưng hoàn hảo đến lạ kì. |
Sau đó, ông cũng có về nói chuyện với gia đình. Khi bác dâu, người thay bố mẹ của bà chăm sóc bà từ lúc còn nhỏ đến trung tâm thăm, anh trai của ông cũng đến thưa chuyện và xin phép bác dâu của bà cho hai bên qua lại, chăm sóc nhau.Và thế là trung tâm bảo trợ lại là nơi diễn ra cuộc ăn hỏi chớp nhoáng của ông bà.
Không mâm trầu, quả cau, không thách cưới cũng chẳng có lễ vật gì. Chỉ đến với nhau bằng tiếng nói của con tim, lời tỏ tình “vụng về” và sau đó là màn xin phép “qua loa”, hai con người, hai mảnh đời bất hạnh đã đến với nhau như vậy, đơn giản mà ấm áp.
Từ ngày ông với bà đến với nhau, đến nay cũng được 12 năm, chưa bao giờ người ta thấy ông bà to tiếng hay cãi vã nhau. Bà lúc nào cũng chăm ông chu đáo, còn ông luôn nhẹ nhàng đỡ đần bà những việc nặng. “Tôi với ông ấy chưa một lần cãi vã nhau. Cũng có hiếm khi, tôi làm sai hay ông ấy làm sai điều gì, thì cả hai gắt lên một chút, rồi lại thôi.”
Bà Lành tâm sự. Nghe cách xưng hô của ông và bà cũng đủ nhận thấy họ tôn trọng và cảm mến nhau thế nào. Bà gọi ông là “anh” xưng “em”, cái gọi trìu mến và ngọt ngào. Bà và ông thường xuyên giúp đỡ và bù đắp những khuyết điểm của nhau. Bà giống như đôi mắt của ông vậy, bà thường dẫn ông đi ăn cơm, đi dạo, lấy thuốc hay đến phòng chức năng để tập luyện…
Hàng ngày, vào mỗi bữa ăn, bà thường gắp thức ăn cho ông, đưa tận tay để ông tự xúc ăn… Ông là đôi bàn tay giúp bà làm được những việc cần chiều cao. “Khi bà đi giặt là ông thường đến đón bà về, bê chậu giặt cho bà. Ông còn giúp bà xách nước để tưới rau, và làm tất cả những việc nặng giúp bà”.
Chính bởi vậy họ là mảnh ghép đến hoàn hảo dành cho nhau. “Những lúc mà bà bị ốm đau, mệt mỏi là ông lo lắng cho bà lắm. Ông đứng ngồi không yên, chỉ sợ bà có làm sao. Bà mà có không ăn cơm cơm hay ăn ít một bữa là ông đã lo rồi”, bà Lành nói đến đâu, nhìn ông cưới âu yếm và hạnh phúc. Bà hay bị tụt huyết áp, ông lại bị tiểu đường, chính vì thế mà hai ông bà lại càng chăm sóc sức khỏe cho nhau hơn.
|
Căn phòng nhỏ nhưng ấm áp nơi cặp vợ chồng khuyết tật già sinh sống. |
Ở với nhau suốt cả ngày như vậy, nhưng hai người quấn lấy nhau như đôi sam. Ông cụ, bà cụ cứ như hình với bóng. Bởi vậy mà khi bà Lành về quê để lo việc nhang khói, giỗ chạp cho bố mẹ ở nhà, là ông Phấn lại đứng ngồi không yên, thơ thẩn nhớ bà.
Ông cũng có nhờ gọi điện bằng được để nghe giọng của bà, bớt lo và bớt nhớ bà hơn. Không có bà, ông cảm thấy cô đơn, đôi mắt của ông trở về đúng nghĩa với nó trước đây, tối tăm và u buồn. Chính bởi vậy, khi có bà, ông như thấy đôi mắt của mình được sáng lại.
Nhiều lúc, bà cũng trêu ông: “Tôi mà mất trước ông, thì ông lại đi bước nữa, lại tìm bà khác”, ông lại bảo: “Không, không ai bằng bà được, không ai thay thế được bà đâu” khiến bà vui vẻ, cười thích chí lắm.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, nhân viên phục vụ phòng y tế phục hồi chức năng, ở trung tâm đã được 14 năm, cũng là người chứng kiến câu chuyện tình cảm động của hai ông bà cho biết: “Đó là một câu chuyện đẹp và đáng ngưỡng mộ.
Ông Phấn may mắn khi gặp được bà Lành, bởi bà Lành còn minh mẫn và khôn ngoan lắm. Bà Lành lại sạch sẽ, bà chăm sóc ông kĩ lưỡng lắm. Nhiều lúc nghe hai ông bà nói chuyện, quan tâm chăm sóc nhau mà chúng tôi phát ghen tị. Bởi vợ chồng mình trẻ lẽ, mà còn không được hạnh phúc như thế.”.
Hàng ngày, bà dắt ông đi lấy thuốc, đi dạo quanh vườn, đi ăn cơm. Ông giúp bà làm những việc nặng. Mỗi ngày trôi qua với ông bà, đều là một ngày ý nghĩa. Bà là đôi mắt của ông, ông là đôi vai vững chắc của bà. Hai mảnh ghép, hai số phận, tạo nên một trái tim ấm nóng, hạnh phúc đến lạ kì.
Mời quý độc giả xem video Người đàn ông tuyển vợ kỳ lạ (nguồn VTC):