Đa số người chồng đều muốn về bên nội ăn Tết còn vợ thì lại muốn được về nhà mình. Vì tâm lý này mà nhiều gia đình rơi vào cảnh xích mích, các cuộc cãi vã cũng vì thế mà xảy ra.
Sắp xếp thời gian hợp lý
Cứ thời điểm năm hết Tết đến, câu hỏi “Ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại?” lại được đưa ra tranh luận.
Trao đổi với PV báo điện tử Người Đưa Tin về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy chia sẻ: “Ngày xưa các cụ đã nói, mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy, nghĩa là mồng một phải về bên bố mẹ chồng bên nội, lễ và chúc tết các cụ bên nội, mồng hai sang chúc tết gia đình bên ngoại. Đây là phong tục tập quán từ xưa đến nay, nó đã in sâu vào trong tâm khảm mỗi người.
Ở thời điểm hiện tại, không nhất thiết phải mùng 2 mới sang nhà ngoại, buổi sáng có thể chúc Tết bên bố mẹ chồng, rồi buổi chiều hai vợ chồng cùng các con có thể sang bên nhà ngoại luôn. Hay xu hướng hiện nay, các cặp vợ chồng trẻ thường đi du lịch vào dịp Tết, đi đâu thì đi cũng phải cố gắng chiều 30 Tết, giao thừa và sáng mùng 1 có mặt hai bên nội ngoại để Tết cả hai bên đều đủ đầy, trọn vẹn".
|
Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ quan điểm của mình. |
Chuyên gia Lê Thị Túy cũng đưa ra quan điểm về việc các gia đình mà hai bên nội ngoại ở xa nhau thì tùy vào điều kiện khách quan, ví dụ bố mẹ chồng ở Đà Nẵng, hai vợ chồng ở Hà Nội, gia đình ngoại ở Hà Nội, thì có thể xin phép đón Tết ở bên ngoại sau đó bay về Đà Nẵng ăn Tết với bố mẹ chồng sau. Nhưng nếu nhà chồng là con một hay con trưởng, các cặp vợ chồng phải tùy vào hoàn cảnh đã sắp xếp sao cho phù hợp.
"Đây là vấn đề cân đo, san sẻ tình cảm, làm sao cho đẹp nhất, đẹp lòng được cả hai bên", chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết thêm.
Lời khuyên cho các cặp vợ chồng trẻ
Nàng dâu nào đi lấy chồng cũng mong muốn được về ngoại đón Tết, tận hưởng khoảnh khắc chuyển giao năm cũ năm mới bên bố mẹ ruột. Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy, các cặp vợ chồng nên bình tĩnh ngồi xuống nói chuyện, bàn bạc với nhau từ sớm để đưa ra giải pháp tối ưu nhất. Nàng dâu cần chu đáo, trọn vẹn, tính toán đâu vào đấy mọi chuyện, từ việc sắm lễ Tết, đặt bánh chưng hay lì xì cho hai bên… Nếu con dâu thu vén mọi thứ chu toàn, trọn vẹn, ứng xử hợp tình hợp lý thì dù xin phép về bên ngoại đón Tết, bố mẹ chồng cũng vẫn sẽ vui vẻ, không có sự lăn tăn trong lòng.
"Cách ứng xử của nàng dâu chính là yếu tố quyết định, là chìa khóa để giải quyết mọi khúc mắc để cái Tết nhà nội hay nhà ngoại đều ấm cúng, trọn vẹn. Và hai vợ chồng, thông qua đó cũng phần nào giáo dục cách ứng xử cho con cái của mình.
Tết là ngày vui, đừng để vấn đề Tết nội - Tết ngoại biến không khí ngày Tết trở nên nặng nề, căng thẳng. Đừng đặt nặng vấn đề ăn Tết nhà nội hay ăn Tết nhà ngoại, bởi không khí vui vẻ, hạnh phúc, đầm ấm mới thực sự là điều quan trọng nhất", chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy bày tỏ quan điểm.