Giảm lượng máu đến tứ chi đồng nghĩa nhiệt độ ở tay chân cũng giảm xuống. Tuy nhiên, những người thường xuyên cảm thấy
tứ chi bị lạnh mà không do thời tiết thì nên chú ý sức khỏe và đề phòng những nguyên nhân sau đây:
+ Căng thẳng tinh thần (stress) hoặc lo âu quá mức. Khi ở trong trạng thái stress hoặc lo lắng thái quá, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách giải phóng hoóc-môn adrenaline để kích hoạt cơ chế “đương đầu hay lảng tránh” đối với tình huống khó khăn gặp phải. Việc này khiến các mạch máu ngoại biên co lại, làm giảm lượng máu lưu thông tới tứ chi và gây ra cảm giác lạnh.
+ Tuần hoàn máu kém. Ở người bị tuần hoàn máu kém, lượng máu bơm đến tứ chi không đầy đủ nên gây ra cảm giác lạnh thường trực ở chân và tay. Ðây cũng là tình trạng thường gặp ở người có lối sống tĩnh tại hoặc ngồi yên một chỗ nhiều giờ. Ngoài ra, thói quen hút thuốc, cholesterol trong máu cao và các bệnh về tim cũng làm giảm tuần hoàn máu tới tứ chi. Sống năng động hơn có thể đẩy lùi vấn đề tuần hoàn máu kém và cả chứng lạnh tay chân này.
+ Thiếu máu. Các trường hợp thiếu máu mức độ từ vừa đến nghiêm trọng đều có biểu hiện lạnh chân tay. Ðiều trị thiếu máu tùy thuộc nguyên nhân là gì, chẳng hạn như do thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hoặc folate, hay mắc bệnh thận mạn tính.
+ Mắc bệnh tiểu đường. Ðường huyết ở mức cao có thể dẫn tới hẹp động mạch, làm giảm lượng máu cung cấp tới các mô và gây lạnh chân. Hơn nữa, tình trạng đường huyết cao liên tục cũng dẫn đến bệnh viêm dây thần kinh ngoại biên - một dạng tổn thương thần kinh do bệnh tiểu đường gây ra. Các triệu chứng khác của bệnh này là cảm giác ngứa hoặc châm chích như kiến bò, tê hoặc đau rát trên bàn chân và cả chân.
+ Các rối loạn về thần kinh. Ðây cũng là một nguyên nhân có thể dẫn tới cảm giác lạnh chân tay. Ðược biết, tổn thương thần kinh cũng có thể là do mắc bệnh về gan, thận, nhiễm trùng, di truyền, chấn thương hoặc do quá lạnh.
Dùng túi chườm và mang vớ là những cách đơn giản giúp làm ấm đôi chân.
+ Suy giáp. Ở người bị suy giáp, việc cơ thể không sản xuất đủ hoóc-môn tuyến giáp gây ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, từ đó tác động tiêu cực đến hoạt động tuần hoàn, nhịp tim và thân nhiệt. Do đó, suy giáp cũng dẫn đến tay chân lạnh.
Các biện pháp tại nhà giúp chữa tay chân lạnh
Ðối với người thường xuyên bị tay chân lạnh, việc xác định nguyên nhân là yếu tố quan trọng để làm giảm triệu chứng. Tuy nhiên, các biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp
giữ cho tay chân ấm áp và thoải mái.
+ Năng vận động. Ðứng dậy và di chuyển là một cách giúp cải thiện lưu thông máu tới tứ chi và giữ cho tay chân luôn ấm áp. Nếu đang làm công việc “bàn giấy”, bạn nên định kỳ đứng dậy và đi dạo quanh văn phòng vài phút/lần.
+ Mang giày dép, vớ giữ ấm chân. Ðây là biện pháp đơn giản nhất để giữ ấm chân, cũng như ngăn chặn tình trạng chân bị mất thêm nhiệt.
+ Ngâm chân trong nước ấm. Biện pháp này giúp giảm lạnh tức thì cho chân, nhờ tác dụng cải thiện tuần hoàn máu tới chân. Hơn nữa, ngâm chân trong nước ấm trước khi đi ngủ còn giúp giảm căng thẳng và thư giãn cơ.
+ Dùng túi chườm hoặc chai nước nóng. Việc đặt túi chườm hoặc chai nước nóng gần dưới chân có thể giúp sưởi ấm chân hiệu quả, đồng thời giúp ngủ ngon hơn.