Chồng chị là người rất nhiệt tình, xởi lởi nhưng đó là dành cho người ngoài. Họ hàng, bạn bè, ai cũng quý anh vì tính cách "hết lòng vì mọi người". Nhưng với vợ, anh lại rất gia trưởng. Gần hai chục năm hôn nhân, chưa bao giờ chị được anh bảo vệ.
Điều chị cảm thấy rất ức chế là từ lúc cưới đến giờ, khi có chuyện xích mích giữa hai vợ chồng thì anh đều mách bố mẹ mình hoặc đi kể với họ hàng nhà chồng. Tất nhiên, khi kể đến tai người khác thì chị lúc nào cũng "lỗi đầy lỗi vơi". Vì thế, hình ảnh của chị trong mắt mọi người nhà chồng chẳng mấy tốt đẹp. Ai cũng nghĩ, lấy được anh là chị rất có phúc. Anh ngời ngời thế kia mà.
Trong mắt mọi người, chị là phụ nữ không có vị thế gì. Trong khi anh giỏi giang, có công ty riêng, còn chị "an phận" với công việc nhà, chăm sóc con cái. Anh kiếm ra tiền nhưng lại vô cùng chặt chẽ với vợ. Mỗi lần, chỉ "són" cho vợ một ít và sau vài ngày tiêu hết, chị lại phải "ngửa tay" xin tiền chồng để chi tiêu cho gia đình. Lý do mà anh không đưa vợ "cả cục" vì sợ chị mang tiền về biếu nhà ngoại.
Mà đâu phải anh đưa cho chị nhiều tiền, mỗi lần cũng chỉ 1-2 triệu đồng. Chị cảm thấy rất mệt mỏi khi mình không được tôn trọng. Suốt bao nhiêu năm làm vợ, chi tiêu cho gia đình nhưng chị lúc nào cũng như "kẻ ăn xin". Tính ra, tài sản của gia đình chị khá lớn, thế nhưng, tất cả đều "nằm trong tay anh". Chị gần như không có quyền quyết định một việc gì liên quan đến kinh tế.
Quá mệt mỏi, chị quyết tâm đi làm để chủ động với thu nhập của mình. Nhưng chị cũng phải "đấu tranh" rất nhiều vì chồng chị quen với việc "kiểm soát vợ ở nhà".
Thường xuyên tranh cãi với chồng về tiền nên đến giờ chị gần như không còn cảm xúc với chồng. Chị biết, hôn nhân của mình rất khó cứu vãn. Nếu chia tay với người chồng chặt chẽ và tính toán như anh, chị sẽ phải "tay trắng". Ở vào tuổi không còn trẻ, không có vốn trong tay, chắc chắn những ngày phía trước của chị sẽ rất khó khăn. Thế nhưng, chị sẵn sàng đánh đổi. Bởi với chị, cái giá của tự do, được sống độc lập, tự chủ mới thực sự ý nghĩa.