Bệnh đái tháo đường là gì?
Bệnh đái tháo đường (hay còn gọi là tiểu đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose huyết do khiếm khuyết về tiết insulin, tác động của insulin hoặc cả hai. Việc tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, đồng thời gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.
|
Ảnh minh họa: Internet |
Phân loại bệnh đái tháo đường chủ yếu gồm 2 loại: đái tháo đường type 1 (do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối); đái tháo đường type 2 (do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin).
Các triệu chứng đái tháo đường sau đây là điển hình: Đi tiểu thường xuyên; Cảm thấy rất khát, rất đói – ngay cả khi đang ăn; Mệt mỏi nhiều; Nhìn mờ; Chậm lành các vết thương hoặc vết loét; Giảm cân – ngay cả khi đang ăn nhiều hơn (đái tháo đường type 1); Ngứa ran, đau, hoặc tê ở tay hoặc chân (đái tháo đường type 2).
Biến chứng bệnh đái tháo đường
Những người bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao phát triển một số vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh và răng. Ngoài ra, những người đái tháo đường cũng có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, bệnh đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tim mạch, mù lòa, suy thận và cắt cụt chi dưới . Người lớn đái tháo đường có nguy cơ tăng gấp 2 đến 3 nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Bệnh võng mạc tiểu đường là một nguyên nhân quan trọng gây mù do sự tích tụ lâu dài của các mạch máu nhỏ trong võng mạc. 2,6% bệnh mù toàn cầu có thể là do đái tháo đường . Đái tháo đường cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra suy thận .
Duy trì mức đường máu, huyết áp và cholesterol bình thường hoặc gần bình thường có thể giúp trì hoãn hoặc ngăn ngừa các biến chứng của đái tháo đường. Do đó những người mắc đái tháo đường cần được theo dõi thường xuyên.
Đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?
Người lớn có BMI ≥ 23 kg/m2, hoặc cân nặng lớn hơn 120% cân nặng lý tưởng và có một hoặc nhiều hơn một trong các yếu tố nguy cơ sau:
|
Ảnh minh họa: Internet |
Ít vận động thể lực.
Gia đình có người bị đái tháo đường ở thế hệ cận kề (bố, mẹ, anh chị em ruột).
Tăng huyết áp (huyết áp tâm thu ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90 mmHg hay đang điều trị thuốc hạ huyết áp).
Nồng độ HDL cholesterol <35 mg/dl (0,9 mmol/L) và/hoặc nồng độ triglyceride > 250 mg/dL (2,82 mmol/L).
Vùng bụng to: ở nam ≥ 90 cm, ở nữ ≥ 80 cm
Phụ nữ bị buồng trứng đa nang.
Phụ nữ đã mắc đái tháo đường thai kỳ.
HbA1c ≥ 5,7% (39 mmol/mol), rối loạn glucose huyết đói hay rối loạn dung nạp glucose ở lần xét nghiệm trước đó.
Có các dấu hiệu đề kháng insulin trên lâm sàng (như béo ph́ì, dấu gai đen.v.v.v.).
Tiền sử có bệnh tim mạch do xơ vữa động mạch.
Ở bệnh nhân không có các dấu hiệu/triệu chứng trên, bắt đầu thực hiện xét nghiệm phát hiện sớm đái tháo đường ở người ≥ 45 tuổi.
Dinh dưỡng hợp lý giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý và lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa được căn bệnh nguy hiểm này. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn nên ăn đa dạng thực phẩm và đảm bảo cân bằng năng lượng. Tốt nhất nên ăn hơn 20 loại thực phẩm mỗi ngày bằng cách ăn các món ăn hỗn hợp, có nhiều món trong một bữa ăn, thay đổi bữa để ăn ngon miệng, nên chia khẩu phần thành nhiều bữa. Với mỗi nhóm chất bột đường, chất xơ, chất béo, đạm, vitamin và khoáng chất nên chú ý lựa chọn thông minh, cân bằng giữa các thành phần. Cụ thể:
|
Ảnh minh họa: Internet |
Lựa chọn chất bột đường một cách thông minh
Năng lượng do nhóm bột đường cung cấp chiếm từ 40% tổng năng lượng theo nhu cầu dựa vào cân nặng và mức độ hoạt động thể lực. Hạn chế các thực phẩm có chứa carbohydrate tinh chế như bánh mỳ trắng, gạo trắng, khoai tây chiên, kẹo, nước ngọt, thức ăn nhanh… Nên sử dụng thực phẩm chứa nhiều cacbohydrate phức hợp như gạo lứt, khoai củ… để giữ mức đường máu ổn định vì chúng được tiêu hóa chậm hơn, giúp bạn no lâu hơn, do đó ngăn ngừa cơ thể sản xuất quá nhiều insulin. Nếu bạn ăn đồ ngọt, nên ăn chúng trong bữa ăn, không nên ăn độc lập vì có thể gây tăng đường máu đột ngột.
Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn hàng ngày
Chất xơ có nhiều trong một số thực phẩm như táo, cam, vỏ trái cây, cây họ đậu, gạo giã dối, rau xanh… Chất xơ có tác dụng làm giảm đáp ứng glucose máu và insulin bằng cách kìm hãm thủy phân tinh bột và hấp thu glucose, lưu thức ăn ở dạ dày lâu hơn và cải thiện độ nhạy cảm của insulin làm giảm nhanh mức đường máu. Lượng chất xơ nhiều còn làm tăng cảm giác no, làm giảm cholesterol. Khuyến nghị lượng chất xơ khẩu phần khoảng 14g/1000kcal từ thức ăn, nên là chất xơ hòa tan.
Lựa chọn chất béo lành mạnh
Chất béo làm chậm quá trình tiêu hóa giúp bạn no lâu hơn, làm lượng đường trong máu không bị tăng nhanh chóng. Tuy nhiên, để phòng thừa cân béo phì mức tiêu thụ lipid trong khẩu phần ăn của người trưởng thành nằm trong khoảng 18 – 25% năng lượng của khẩu phần.
Cần tránh chất béo bão hòa, chất béo thể Trans (sản phẩm bơ sữa toàn phần và mỡ động vật, các đồ chiên rán kỹ). Cần hạn chế cholesterol ở mức thấp nhất. Nên sử dụng chất béo không bão hòa có nguồn gốc từ thực vật như dầu oliu, dầu hạt cải, dầu đậu nành… Ưu tiên sử dụng các acid béo Omega-3 hỗ trợ não và sức khỏe tim mạch (cá hồi, cá ngừ).
Nhóm chất đạm: Cần đảm bảo theo nhu cầu khoảng 12 – 14% tổng năng lượng hàng ngày.
Cần đủ vitamin và khoáng chất
Nên sử dụng từ nguồn rau, quả tươi (quả ít ngọt). Ngoài ra, đồ uống có cồn (rượu, bia), các loại nước ngọt có ga cần hạn chế, nên ăn có chừng mực, không nên ăn quá no hay quá đói, không ăn thứ gì quá nhiều, không nên bỏ ăn sáng.
Ngoài ra, để phòng bệnh tiểu đường một cách hiệu quả bạn cũng cần áp dụng lối sống tích cực, phòng tránh thừa cân béo phì, tăng cường hoạt động thể lực, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, kiểm soát cảm xúc, giảm căng thẳng, stress…