Chế độ ăn uống thiếu vitamin C, thiếu nước có thể tàn phá giấc ngủ
Các nhà nghiên cứu Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã phát hiện thấy một số chất dinh dưỡng nhất định có thể đóng vai trò quan trọng trong việc có được giấc ngủ khoẻ mạnh. Chế độ ăn uống thiếu vitamin C, thiếu nước hay quá nhiều đồ ăn béo đều có thể tàn phá giấc ngủ của bạn. Do đó, những người không hấp thụ đủ vitamin C (trong cam, ớt, bông cải xanh và các loại rau lá xanh thẫm), selen (trong quả hạch, động vật có vỏ và thịt) và lycopene (trong các loại thực phẩm có màu đỏ và da cam) không thể có được giấc ngủ ngon. Chế độ ăn giàu chất béo bão hòa, choline (có trong trứng, thịt mỡ), chocolate, chè (chứa hợp chất theobromin) và rượu cũng làm gián đoạn giấc ngủ.
Khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã chia giấc ngủ thành nhiều loại: Giấc ngủ rất ngắn - chỉ kéo dài chưa đầy 5 giờ mỗi đêm, giấc ngủ ngắn - kéo dài 5 - 6 giờ, giấc ngủ tiêu chuẩn - kéo dài 7 - 8 giờ và giấc ngủ dài - kéo dài 9 giờ đồng hồ trở lên. Đối tượng tham gia nghiên cứu đã gặp đội ngũ nhân viên được huấn luyện đặc biệt và được họ xem xét chi tiết sự hấp thụ dinh dưỡng trong ngày. Sự hấp thụ này bao gồm mọi thứ, từ việc thỉnh thoảng uống nước cho tới bản ghi chi tiết mỗi phần của bữa ăn.
Với số liệu này, nhóm nghiên cứu đã phân tích sự khác biệt và mức độ ảnh hưởng giữa chế độ dinh dưỡng hấp thụ với giấc ngủ. Họ cũng xem xét mối liên quan sau khi kiểm soát chế độ ăn uống tổng thể, nhân khẩu học, kinh tế - xã hội, hoạt động thể chất, mức độ béo phì và các nhân tố ảnh hưởng khác. Kết quả, những người hấp thụ nhiều calorie nhất có giấc ngủ tồi tệ nhất. Những người có chế độ ăn uống phong phú, đa dạng ngủ tốt hơn và những người chỉ ăn một số loại đồ ăn có giấc ngủ không yên.
|
Ảnh minh họa. |
Giấc ngủ dài hay ngắn liên quan tới sự đa dạng thực phẩm
Sự khác biệt giữa các nhóm nghiên cứu phụ thuộc vào nhiều loại chất dinh dưỡng, bao gồm protein, carbohydrate, vitamin và khoáng chất. "Nhìn chung, những người ngủ 7 - 8 giờ đồng hồ mỗi tối có sự khác biệt về chế độ ăn uống so với những người ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn", trưởng nhóm nghiên cứu Michael Grandner thuộc Trung tâm Centre for Sleep and Circadian Neurobiology trong trường đại học cho biết.
"Chúng tôi thấy rằng giấc ngủ dài hay ngắn còn liên quan tới sự đa dạng thực phẩm. Mặc dù nhiều người trong chúng ta biết về mối quan hệ giữa chế độ ăn uống và chất lượng giấc ngủ, có rất ít nghiên cứu khoa học khám phá mối liên quan giữa chúng, đặc biệt là trong những tình huống đời sống hằng ngày".
"Đây là một lĩnh vực quan trọng cần khám phá vì chúng ta đều biết thời gian ngủ ngắn liên quan đến việc tăng cân, béo phì, bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch".
Nghiên cứu này được xuất bản trên Tạp chí Appetite.
TIN LIÊN QUAN