Không chỉ được cứu sống, bệnh nhân đột quỵ do tắc động mạch não lớn còn bình phục hoàn toàn, không bị di chứng.
Khẩn trương từng phút
Bệnh nhân may mắn nói trên là cụ bà Đặng Thị Ch. ở Đại La, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Theo lời người nhà, vào 10h tối ngày 9/5/2016, cô con gái bệnh nhân phát hiện mẹ bị sùi bọt mép, tay “bắt chuồn chuồn”. Ngay lập tức, cô hô hoán mọi người đưa mẹ vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu.
|
Bệnh nhân đang được BS Hùng tái khám khi đã qua cơn nguy kịch. |
BS Vũ Đình Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y, người trực khoa cấp cứu ở thời điểm đó đã nghĩ đến đây là ca đột quỵ nhồi máu não. Ngay lập tức, nhóm “cấp cứu đột quỵ” bằng hệ thống điện thoại và phần mềm “Trao đổi nhóm” được kích hoạt. Sau 20 phút vào viện, bệnh nhân đã được chụp Cộng hưởng từ mạch não, với chẩn đoán xác định là bị tắc động mạch cảnh trong và động mạch não giữa bên trái.
Một cuộc hội chẩn nhanh đã quyết định lựa chọn kỹ thuật can thiệp nội mạch lấy huyết khối. Sau 50 phút từ lúc vào viện, bệnh nhân được lấy huyết khối thành công. Ngay sau khi huyết khối được lấy ra khỏi lòng mạch, bệnh nhân đã nói được và vận động được như người bình thường.
ThS.BS Nguyễn Thanh Bình, Khoa Chẩn đoán hình ảnh - một trong những người trực tiếp lấy huyết khối cho bệnh nhân cho biết: Việc cấp cứu bệnh nhân nói chung, bệnh nhân bị đột quỵ nói riêng, phải chạy đua với thời gian bởi mỗi phút trôi qua, khả năng cấp cứu, hồi phục càng giảm.
Bệnh nhân Ch. đã lớn tuổi, có tiền sử tai biến mạch nhiều lần, đã can thiệp thay van động mạch chủ... nhưng may mắn thời gian từ lúc phát hiện triệu chứng đến lúc đưa vào viện vẫn nằm trong “cửa sổ vàng”. 80 phút tính từ lúc biểu hiện đột quỵ, bệnh nhân đã được lấy huyết khối thành công nên khả năng hồi phục mới được như vậy.
Cần đưa bệnh nhân đến viện càng nhanh càng tốt
Ngày 13/5, khi phóng viên KH&ĐS vào thăm, bệnh nhân Ch. đã tự đi lại loanh quanh ở giường bệnh. Bà còn tự xúc cơm ăn, tinh thần hoàn toàn minh mẫn. Người nhà bệnh nhân bày tỏ sự vui mừng vì không ngờ bà lại hồi phục “thần kỳ” như vậy.
|
Sau can thiệp máu lưu thông lên não tốt. |
PGS.TS Bùi Văn Lệnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, cấp cứu đột quỵ não là một trong những kỹ thuật cao trong ngành y tế. Xuất phát từ nhu cầu, thực tế điều trị, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã thành lập một “Đơn vị cấp cứu đột quỵ” với thành phần gồm các chuyên khoa Hồi sức Cấp cứu, Chẩn đoán hình ảnh, Nội thần kinh, Ngoại thần kinh, Tim mạch...
Khi có bệnh nhân đột quỵ đến viện, không một phút nào bị bỏ lỡ để cơ hội cứu sống bệnh nhân bị trôi đi. Cụ thể, các bác sĩ chuyên khoa thuộc nhóm “Cấp cứu đột quỵ” đã được trang bị, huấn luyện sử dụng một phần mềm để “Trao đổi nhóm”. Khi phát hiện có bệnh nhân đột quỵ, bác sĩ trực sẽ “kích hoạt” phần mềm nội bộ “Trao đổi nhóm”, chuyển hình ảnh, thông tin để cùng đánh giá, hội chẩn, từ đó có thể phối hợp xử lý nhanh nhất...
Theo PGS.TS Bùi Văn Lệnh, đột quỵ do huyết khối gây tắc động mạch lớn ở não tiên lượng thường nặng, có thể tử vong; bệnh nhân nếu có sống được thì việc điều trị cũng tốn kém, khả năng để lại di chứng rất cao, không phục vụ được bản thân suốt đời, bệnh nhân đi đến tử vong vì các biến chứng do nằm lâu sau đó. Vì vậy, người có bệnh lý tim mạch, huyết áp, đặc biệt có tiền sử bị tai biến cần được chăm sóc, để ý kỹ.
Ngay khi phát hiện có dấu hiệu bất thường như tê bì chân tay, yếu nửa người, đặc biệt có méo mồm, mất tiếng... cần đưa đến trung tâm y tế gần nhất nơi có trung tâm phòng chống đột quỵ (thường đặt tại khoa hồi sức cấp cứu). Nhiều trường hợp thấy người nhà có triệu chứng vậy lại tưởng bị cảm mà xoa dầu gió, day, bấm huyệt... trong khi nguyên nhân sâu xa có thể là trong não bệnh nhân có cục máu gây tắc nghẽn, rất nguy hiểm.
Mời quý độc giả xem video tai biến y khoa (nguồn VTV):