|
Cháu H.T.A. (5 tuổi) |
Trao đổi trên báo Dân trí, ông Hoàng Văn Hải (ông nội cháu H.T.A., 5 tuổi, trú tại xã Mậu Đông, huyện Văn Yên, Tỉnh Yên Bái), người trực tiếp đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái để cắt Amidan, cho biết: Cách đây khoảng hơn 1 tháng gia đình đã đưa cháu T.A đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám do cháu bị viêm Amidan. Các bác sỹ đã tư vấn cháu nên cắt Amidan sau khi điều trị hết viêm.
Gia đình đã đưa cháu về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái và điều trị theo đơn kê của bác sĩ ở đây. Vào Chủ nhật hàng tuần, gia đình đưa cháu T.A. đến Phòng khám Tâm Đức (thành phố Yên Bái) để khám và rửa mũi. Đến lần khám thứ 3, bác sỹ Thủy của Phòng khám Tâm Đức (cũng là bác sỹ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) có thông báo sức khỏe của cháu đã đảm bảo để cắt Amidan.
Đến chiều 19/11, gia đình đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái. Sau khi làm xong các thủ tục, đến sáng ngày 21/11, cháu T.A. được đưa vào phòng mổ để tiến hành phẫu thuật cắt Amidan.
Cũng theo ông Hải, sáng ngày 21/11, sức khỏe của cháu T.A. vẫn bình thường, cháu vẫn nô đùa chạy nhảy. Đến 9h cùng ngày, cháu T.A. được đưa vào phòng mổ để cắt Amidan.
“Vào phòng mổ khoảng 15 phút, bác sỹ phòng mổ mời đại diện gia đình vào thông báo tình hình cháu bị sốc khi gây mê và đang tiến hành cấp cứu. Đến 11h trưa cùng ngày, gia đình nhận thông báo cháu đã tử vong. Theo tôi, các bác sỹ không kiểm tra lại sức khỏe, cháu bị sốc khi gây mê. Đây là lỗi của bác sỹ, lỗi gây mê và lỗi không kiểm tra lại sức khỏe”, ông Hải bức xúc nói.
Bác sĩ Nguyễn Song Hào - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái, trưởng Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc của Bệnh viện cho biết Trường hợp bệnh nhân H.T A, 69 tháng tuổi tử vong tại viện nghi do sốc phản vệ.
Bác sĩ Hào cho biết bệnh nhân vào nhập viện để phẫu thuật nạo VA và cắt Amidan; sau khi đã làm đầy đủ các xét nghiệm cơ bản, khám lâm sàng, khám gây mê trước mổ đủ điều kiện phẫu thuật (bệnh nhân không có tiền sử dị ứng thuốc và thức ăn).
Sáng 21/11 bệnh nhân được chuyển đến khoa Gây mê phẫu thuật – Hồi sức để tiến hành phẫu thuật theo kế hoạch. Sau khi tiến hành gây mê và đặt nội khí quản để thông khí nhân tạo (kiểm tra đường thông khí tốt) thì đột ngột xuất hiện điện tim là đường đẳng điện trên monitor, da bệnh nhân nhợt nhạt.
Bệnh nhân được chẩn đoán ngừng tuần hoàn do nghi phản ứng phản vệ. Các bác sỹ đã lập tức tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ (ép tim ngoài lồng ngực – bóp bóng có ô xy 100% quan đường nội khí quản – Aderealin 1/3 ống trên tĩnh mạch 1p/l). Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Yên Bái đã tăng cường thêm các bác sỹ từ khoa Hồi sức tích cực và khoa Nhi, đặc biệt là sự có mặt của Phó giáo sư - Tiến sỹ Đặng Quốc Tuấn – Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai (bác sỹ Đặng Quốc Tuấn đang có mặt tại Bệnh viện Đa khoa Yên Bái để giảng dạy cho các bác sỹ Yên Bái) tuy nhiên, sốc phản vệ nguy kịch đặc biệt nguy hiểm, diễn ra rất nhanh chóng và có thể cướp đi sinh mạng của bất kỳ ai với tỷ lệ tử vong rất cao, cháu H.T. A đã tử vong trước sững sờ của người thân và đội ngũ thầy thuốc.
Theo bác sĩ Hào sốc phản vệ là tai biến dị ứng nghiêm trọng nhất, dễ gây tử vong nhất không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Sốc phản vệ luôn là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị.
Sốc phản vệ được chia ra 3 mức độ diễn biến là nhẹ, trung bình và nặng. Diễn biến nhẹ với những triệu chứng đau đầu, sợ hãi, chóng mặt, có thể có nổi mày đay, mẩn ngứa, phù Quincke, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, đái ỉa không tự chủ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở. Diễn biến trung bình, bệnh nhân hoảng hốt, choáng váng, ngứa ran khắp người, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, đau bụng, da tím tái, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được. Diễn biến nặng, xảy ra ngay trong những phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được, tử vong sau vài phút, hãn hữu kéo dài vài giờ.