Chất xyanua có mặt trong một số thực phẩm, phòng tránh thế nào?

Google News

Xyanua xuất hiện tự nhiên trong một số thực phẩm, nếu không biết cách chế biến có thể gây ngộ độc.

Xyanua là chất cực độc, tồn tại dưới nhiều hình thức và có thể dễ dàng gây tử vong chỉ với một lượng rất nhỏ. Xyanua có thể xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, hô hấp, hoặc thậm chí qua da nếu tiếp xúc trực tiếp.
Nguy cơ nhiễm độc xyanua có thể hiện hữu trong bất cứ gia đình nào
Từ xưa tới nay rất nhiều người biết đến thông tin chất độc xyanua có trong khói thuốc lá, trong một số loại cây hoặc hạt như sắn, măng, đào, lê, táo, hạnh nhân… Tuy nhiên ít ai biết rằng chất độc này còn được tìm thấy trong rất nhiều sản phẩm khác như len, lụa, vật liệu cách điện, đệm, thảm, các vật liệu xây dựng khác và đồ đạc trong nhà…
Theo Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST), xyanua là chất độc hiện diện khắp nơi. Xyanua có trong một số loại thực phẩm và trong các loại cây thực vật nhất định như sắn, đậu lima và hạnh nhân. Nhân và hạt của các loại trái cây phổ biến, chẳng hạn như quả mơ, táo và đào, có thể có số lượng đáng kể các hóa chất được chuyển hóa thành chất xyanua.
Chat xyanua co mat trong mot so thuc pham, phong tranh the nao?
Xyanua có mặt trong khói thuốc lá và các sản phẩm cháy khi đốt vật liệu tổng hợp như nhựa. Trong sản xuất công nghiệp, xyanua được sử dụng để làm giấy, dệt may, và nhựa. Nó cũng hiện diện trong các hóa chất sử dụng để làm ảnh. Muối xyanua được sử dụng trong luyện kim cho mạ điện, làm sạch kim loại, và loại bỏ vàng từ quặng. Khí xyanua được sử dụng để tiêu diệt côn trùng và sâu bọ trong các tàu thuyền và các tòa nhà…
TS y khoa Melissa Conrad Stoppler, Tạp chí chuyên ngành về chăm sóc sức khỏe Emedicine Health (Mỹ) cho hay nguy cơ chúng ta bị nhiễm độc xyanua là rất cao, bởi chúng ta không chỉ sử dụng các thực phẩm có chứa xyanua mà xyanua tồn tại trong đất, nước và không khí, nghĩa là khắp nơi quanh ngôi nhà mà chúng ta đang sống.
Bạn có thể bị tiếp xúc với xyanua bằng cách hít phải không khí có xyanua, uống phải nước có chứa xyanua… Ví dụ, các sản phẩm có chứa cao su, nhựa, và lụa khi bị cháy có thể tạo ra khói xyanua và gây nhiễm độc xyanua nếu bạn tiếp xúc phải.
Điều đáng nói, do xyanua là chất cực độc nên việc nhiễm độc xyanua gây ra những hệ quả rất xấu. Nếu hít phải xyanua sẽ gây ra tình trạng hôn mê có thể kèm theo cơn động kinh, ngừng thở và tim ngừng đập, thậm chí có thể tử vong chỉ trong một vài giây. Ở liều thấp, nhiễm độc xyanua sẽ bắt đầu bằng cơ thể suy yếu, chóng mặt, đau đầu, lú lẫn và cảm nhận khó thở. Một liều gây tử vong cho con người có thể ở mức thấp như 1,5mg/kg trọng lượng cơ thể.
Cách chế biến thực phẩm tránh ngộ độc xyanua
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội Xyanua thường được dùng trong công nghiệp nhưng nó cũng xuất hiện tự nhiên trong một số thực phẩm, nếu không biết cách chế biến có thể gây ngộ độc.
Xyanua có thể tồn tại trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên như hạt của một số loại trái cây (mận, đào, mơ, táo). Đặc biệt, trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc Xyanua nhất có sắn và măng tươi - loại thực phẩm phổ biến trong bữa ăn của nhiều gia đình người Việt.
Theo PGS Nguyễn Duy Thịnh, việc chế biến thực phẩm chứa Xyanua cần được thực hiện cẩn thận để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.
Chất độc này có đặc tính tan trong nước và bay hơi ở nhiệt độ cao nên với măng tươi, tốt nhất nên ngâm nhiều giờ trong nước trước khi chế biến tiếp, chất Xyanua sẽ giảm dần khi tiếp xúc với nước.
Nên luộc măng thật kỹ, thay nước nhiều lần để loại bỏ độc tố. Măng muối chua để chín, có mùi chua đặc trưng, ngả sang màu vàng mới sử dụng, tuyệt đối không ăn măng sống.
Người dân không nên sử dụng nước ngâm măng bởi khi ngâm măng, một lượng Xyanua nhất định cũng được tạo ra, cả Xyanua và chất taxiphyllin khuếch tán ra nước, lượng độc tố trong măng có thể giảm đi nhưng các độc tố có trong nước có thể tăng lên, nên nếu uống quá nhiều nước măng có thể bị ngộ độc.
Sắn tươi cũng có chứa chất độc Xyanua trong cả vỏ và thịt. Khi luộc, nhất là luộc với số lượng lớn thì chất này sẽ đóng váng trên bề mặt nước. Người ăn phải chất này với hàm lượng cao sẽ bị ngộ độc, mà dân gian hay gọi là "say" sắn. Thực tế, đã có nhiều người ăn sắn bị chết vì chất Xyanua có trong sắn.
"Cách tốt nhất để loại bỏ chất Xyanua trong sắn là lột vỏ, cắt đầu, đuôi, sau đó ngâm trong nước lạnh nhiều giờ trước khi luộc. Ngoài ra, trong lúc luộc, nên mở nắp nồi để chất Xyanua bay đi, lượng độc chất sẽ giảm đáng kể", PGS. Thịnh khuyến cáo.
Theo BS Nguyễn Văn Hùng, nguyên bác sĩ bệnh viện 105 cho biết, mặc dù xyanua ở khắp nơi quanh ngôi nhà của bạn, nhưng bạn không nên quá hoang mang. Khí xyanua nguy hiểm nhất khi bị kẹt ở những nơi kín bí, và nó bốc hơi và tan nhanh trong không gian mở, vì vậy, nếu gia đình bạn có người hút thuốc lá, khi các vật liệu như thảm, len, lụa… cháy hãy mở cửa thoáng.
TS Melissa Conrad Stoppler cũng nhấn mạnh việc bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ phơi nhiễm xyanua khi có cha mẹ hoặc người chăm sóc làm việc trong một ngành công nghiệp có sử dụng xyanua. Các quy định an toàn nghiêm ngặt phải được tuân thủ để ngăn ngừa phơi nhiễm nghề nghiệp.
Nhân viên phải để lại tất cả các hóa chất trong phòng thí nghiệm hoặc nhà máy. Ở các gia đình cũng cần chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa cháy nhà, bao gồm cả lắp đặt máy dò khói, báo cháy, và trang bị các kiến thức ứng phó khi xảy ra cháy, bởi khói từ các đám cháy luôn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm độc xyanua có thể dẫn đến chết người.
Cần làm gì khi nghi ngờ ngộ độc xyanua?
BS.CK2 Lê Vũ Phượng Thy , Trưởng khoa Hồi sức Tích cực Chống độc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) nhấn mạnh xyanua được hấp thụ rất nhanh và tỷ lệ tử vong rất cao. Vậy nên, ngay khi phát hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe và nghi ngờ bị ngộ độc xyanua, nạn nhân cần nhanh chóng thực hiện các thao tác sau:
Trường hợp đang ở trong môi trường nhiều khí xyanua, người dân cần thoát ra ngoài nhanh nhất có thể. Người phát hiện cần nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra chỗ thoáng khí và đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Trường hợp tiếp xúc xyanua qua da hoặc mắt, người dân cần rửa vùng da, mắt tiếp xúc với chất độc dưới vòi nước chảy hoặc nhiều lần bằng nước sạch. Sau đó, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời và đúng cách.
Các trường hợp ngộ độc xyanua qua đường ăn uống, ngay khi nghi ngờ ngộ độc cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí tình huống cấp cứu (nếu có). Sau đó chuyển nạn nhân đến các bệnh viện có đủ máy móc thiết bị để tiếp tục can thiệp các kỹ thuật hồi sức chuyên sâu như lọc máu hấp phụ, thay huyết tương, hỗ trợ hô hấp tuần hoàn qua màng ngoài cơ thể (ECMO)… khi cần.
Thúy Nga

>> xem thêm

Bình luận(0)