Trong chiếc váy cưới trắng lộng lẫy, xung quanh là tiếng chúc mừng huyên náo, tôi thấy bố ngồi lặng lẽ một góc, lén lau nước mắt. Khoảnh khắc bố quay lưng đi, tôi lần đầu nhận ra: “Bố thực sự rất yêu mình”.
Bố tôi là con cả trong một gia đình thuần nông, lớn lên nhờ những bữa cơm độn sắn. Bố có một vết bớt đen dài trên má, tự ti về nó nên lúc nào cũng cúi gằm mặt. Mẹ tôi bảo, bố là “con ghẻ” trong nhà.
Năm xưa khi ra ở riêng, tài sản bố có vỏn vẹn một căn nhà 3 gian, một chiếc đồng hồ và một tạ lúa. Trong khi đó, hai người em trai của bố được ông bà cho hẳn căn nhà 2 tầng và một đàn lợn. Vậy mà bố chẳng mảy may ghen tị. Bố bảo, hai chú được bố “cắp nách” rong ruổi khắp làng từ những năm bố mới 4,5 tuổi, đi học cùng nhau, lớn lên cùng nhau, còn ai thân hơn nữa mà phải ganh ghét, tranh giành.
|
Bố bước sang tuổi 62, lưng còng hơn, tóc bạc hơn, da cũng nhăn nheo hơn. Ảnh minh họa: Sina |
Thế nhưng với con cái, bố nghiêm khắc đến đáng sợ. Ký ức của tôi về bố là những trận đòn đỏ đít khi bỏ học đi chơi, trốn ngủ trưa đi tát vét, bắt cá đồng, đi ăn trộm ngô non... Ăn cơm rơi vương vãi, bị phạt. Tắm xong không giặt quần áo, bị phạt, đi học điểm kém, bị phạt, mải xem ti vi không học bài buổi tối, bị phạt... Với tôi thuở đó, những ngày bố đi chợ thâu đêm là khoảng thời gian tôi tự do nhất.
Bố từng khiến tôi áp lực đến nghẹt thở. Anh chị tôi học kém, chỉ học hết lớp 12 là ra đời bươn chải. Bao nhiêu kỳ vọng về chuyện học hành bố đổ dồn lên đầu đứa con gái út là tôi.
Năm lớp 9, bố từng giáng cho tôi cái tát “cháy má” vì không phân biệt được trục tung, trục hoành trong toán học. Năm lớp 10, bố ném hết sách vở của tôi xuống bếp tro vì tôi cúp tiết. Tôi từng nghĩ mình bất hạnh vì bị bố nắm trong lòng bàn tay, xoay như chong chóng.
Một lần, trong cơn say rượu, bố loạng choạng bước vào phòng tôi nói: “Con không đỗ đại học, chắc bố cúi gằm mặt cả đời”. Đêm đó, tôi khóc ướt gối. 16 năm cuộc đời, đó là lần hiếm hoi tôi nhìn thẳng vào vết bớt đen của bố.
Vết đen theo năm tháng lại càng đen hơn, nhăn lại, khiến khuôn mặt bố trông càng đáng sợ, cũng càng đáng thương. Kể từ ngày đó, tôi học bằng cả tính mạng, cuối cùng đỗ vào khoa Báo chí, trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền với số điểm 25,5 khối C.
Ngày chở tôi xuống Hà Nội nhập học, bố hào hứng nói chuyện cả quãng đường. Khi ra về, bố nhìn chiếc hòm sắt bảo: “Cái hòm nặng quá, vài bữa nữa ổn định chỗ ở thì bỏ đi, khỏi vác đi vác lại”. Tấm lưng gầy gò của bố khiến tôi nặng trĩu. Suốt 4 năm đại học, dù khó khăn đến đâu bố cũng không chậm tiền học phí, tiền sinh hoạt của tôi. Bố bảo mẹ: “Khoản đó là cố định, chỉ được thừa, chứ không được thiếu”.
Tôi ra trường, đi làm, có công ăn việc làm ổn định. Năm 27 tuổi, tôi quyết cưới một chàng trai bố không thích, đơn giản vì không muốn con gái lấy chồng xa. Nhưng có lẽ, chẳng ai hiểu tôi bằng bố. Biết tôi thuộc tuýp người “đã thích là sẽ làm”, bố chỉ bảo: “Người con chọn, sướng khổ con tự chịu”.
Ngày đưa tôi về nhà chồng, bố chẳng nói chẳng cười. Ai cũng bảo, bố ghét chàng rể này nên bày ra bộ mặt nghiêm trang như vậy. Riêng tôi hiểu, bố chỉ vì không nỡ. Cô con gái út bố đặt bao kỳ vọng, cũng cho bố được “nở mày nở mặt” theo cách bố mong, cuối cùng cũng rời xa bố mà xây dựng tổ ấm nhỏ của riêng mình.
Tôi giờ đã làm mẹ, đã hiểu thế nào là “sinh con ra mới hiểu lòng cha mẹ”. Bố bước sang tuổi 62, lưng còng hơn, tóc bạc hơn, da cũng nhăn nheo hơn. Thế nhưng, tôi đã thấy bố cười nhiều hơn trước. Bố vốn bị gọi là “ông kẹ”, thường được hàng xóm lôi ra để dọa con, dọa cháu nhưng lạ một điều, cậu con trai út của tôi yêu ông ngoại vô cùng.
Mỗi lần về quê nhìn hai ông cháu chơi đùa với nhau, tôi lại tự tin rằng, có lẽ, khoảnh khắc này mình đang tặng bố một niềm vui vô bờ bến. Chẳng phải tiền bạc cao sang, đó cũng là cách báo hiếu khiến bố ấm lòng.