Chân tay biến dạng, mất hết chức năng vì căn bệnh tưởng của nhà giàu

Google News

Nhiều người cho rằng gout là căn bệnh chỉ những người giàu mới mắc. Thực tế, căn bệnh này ngày càng phổ biến ở mọi đối tượng và để lại hậu quả nặng nề.

Điều trị tại khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E (Hà Nội) ông Trần Văn Minh (sinh năm 1968, ở Hà Nội) liên tục kêu đau vì biến chứng của bệnh gout.
Toàn bộ vùng đầu gối sưng tấy, chỉ cần đụng nhẹ cũng khiến ông đau đớn. Ngón tay, chân đều biến dạng khi vừa bị sưng, vừa bị các tinh thể urat lắng đọng, ăn mòn gây mất chức năng. Ông không thể bê được đồ vật.
Ông Minh cho biết bản thân mắc gout cách đây 30 năm. Căn bệnh gây cho ông nhiều đau đớn và phiền toái. Người đàn ông này thường xuyên phải nhập viện điều trị. Lần nhập viện này, thời gian điều trị không dưới 20 ngày.
Chan tay bien dang, mat het chuc nang vi can benh tuong cua nha giau
 Thạc sĩ Kiều Quốc Hiền khám cho nam bệnh nhân biến chứng nặng vì gout. Ảnh: HQ.
Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Phó trưởng khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện E (Hà Nội), cho hay, trước mắt bệnh nhân sẽ được điều trị ổn định, sau đó tiến hành phẫu thuật.
Bác sĩ Hiền cũng vừa tiến hành phẫu thuật cho một nam bệnh nhân khác do tinh thể urat lắng đọng nhiều nơi, đặc biệt khớp háng khiến bệnh nhân không thể đi lại.
Theo bác sĩ này, mỗi tháng, khoảng 10-15 trường hợp mắc gout nặng cần phải can thiệp ngoại khoa. Đây là một bệnh rối loạn chuyển hóa ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể với rất nhiều cơ quan. Tinh thể lắng đọng ở đâu sẽ gây tổn thương ở vị trí đó như khớp, các ống thận, tim, mạch máu. Trong đó, tinh thể đặc biệt tác động tới các cơ quan vận động, nhất là các khớp chịu lực, khớp bàn chân, ngón tay, trong các gân,… gây mất chức năng vận động, teo cơ, teo gân. Tinh thể lắng đọng nhiều, gây sưng, to dễ vỡ gây nhiễm trùng buộc bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật để can thiệp.
13 tuổi đã mắc gout
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trần Trung, khoa Cơ Xương Khớp, Bệnh viện E, cũng cho hay hiện người đến khám do bệnh gout chiếm tới 30% số lượng bệnh nhân tại cơ sở y tế này.
Bác sĩ Trung từng điều trị cho một bệnh nhân 13 tuổi. “Tính tới thời điểm hiện tại, khoa đã tiếp nhận gần 10 trường hợp bệnh nhân bị gout tuổi từ 16-18 tuổi. Những bệnh nhân bị gout dưới 20 tuổi thường liên quan tới vấn đề bệnh lý hơn là chuyển hóa. Bệnh nhân gout từ 30-40 tuổi thường liên quan tới yếu tố rượu bia”, thạc sĩ Trung cho biết.
Chan tay bien dang, mat het chuc nang vi can benh tuong cua nha giau-Hinh-2
Tinh thể urat lắng đọng khắp cơ thể bệnh nhân. Ảnh: HQ. 
Số lượng bệnh nhân tới khám gout tại khoa khá đông, trung bình một ngày từ 30-40 ca. Trước đây, các bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu ở nhóm tuổi trung niên (40 tuổi trở lên). Thời gian gần đây, đối tượng mắc bệnh đã dần trẻ hóa, độ tuổi trung bình từ 30-40 tuổi.
Bác sĩ Hiền cho biết bản thân gặp rất nhiều bệnh nhân trẻ mắc bệnh gout. Họ thường vào viện khám vì cảm thấy đau nhức tay chân sau khi chơi thể thao. Kết quả xét nghiệm đều cho thấy ở họ có mức axit uric tăng cao hơn người bình thường.
Căn bệnh này vẫn chưa được xác định rõ ràng về nguyên nhân, nhưng thường được liên tưởng tới việc lối sống, sinh hoạt không hợp lý. Do đó, chế độ ăn và sinh hoạt rất quan trọng trong việc phòng ngừa. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa khỏi. Theo bác sĩ Hiền, ăn uống là quan trọng nhất trong điều trị, sau đó là thuốc. Việc điều trị giúp giảm thiểu biến chứng, giải quyết các đợt cấp, giúp bệnh nhân có thể sống ổn định với bệnh.
Theo Hà Quyên/ZVN

>> xem thêm

Bình luận(0)