|
Ảnh minh họa. |
Béo phì thuộc phạm vi chứng đàm trọc, đàm trệ của y học cổ truyền. Bệnh nhân béo phì đơn thuần đa phần do ăn nhiều đồ béo ngọt, ít vận động nên quá nhiều nhiệt lượng chuyển thành chất mỡ tích lại trong cơ thể. Kèm theo bệnh nhân có xuất hiện những triệu chứng khác như váng đầu, mệt mỏi, ngại nói... Béo phì là cơ sở phát sinh ra nhiều bệnh khác.
Tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã sử dụng chủ yếu kết hợp các huyệt mộ và huyệt bối du. Việc kết hợp huyệt này có thể kiện tỳ, hòa vị, hành khí hóa thấp, tăng cường chức năng tạng phủ điều hòa khí huyết. Ngoài ra, châm thêm các huyệt vị ở tứ chi thuộc kinh dương minh, là kinh đa khí, đa huyết. Ba nhóm huyệt này có thể tăng cường điều hóa khí huyết toàn thân, thúc đẩy quá trình chuyển hóa. Kèm theo, khuyến khích bệnh nhân kết hợp uống nước và có chế độ vận động hợp lý, càng làm tăng hiệu quả điều trị.
Châm cứu giảm béo với liệu trình điều trị 2 đợt, mỗi đợt 10 lần châm, khoảng cách giữa hai đợt châm là 3 ngày. Trong quá trình điều trị, tuyệt đại đa số bệnh nhân đều không bị cảm giác đói cồn cào, lượng thức ăn vào giảm đi mà tinh thần vẫn tỉnh táo. Đánh giá hiệu quả điều trị bằng châm cứu giảm béo tốt khi cân nặng giảm 4 - 10kg, có hiệu quả khi giảm 2 - 4kg và hiệu quả kém khi cân nặng giảm < 2kg sau quá trình điều trị. Y học cổ truyền có thể chia ra những chứng béo phì sau dây.
1) Thể vị trường thực nhiệt: Hình thể béo bệu, thèm ăn uống, chóng đói, khát muốn uống nước, tiểu tiện gắt đỏ, đại tiện bí kết, lưỡi đỏ rêu vàng, mạch huyền hoạt sác.
2) Thể can uất khí trệ: Hình thể béo bệu, ngực sườn trướng mãn, tâm phiền dễ cáu, ngủ kém hay mơ, kinh nguyệt không đều, bế kinh, đại tiện bí kết, chất lưỡi hồng ám, rêu trắng hoặc mỏng nhờn, mạch huyền tế.
3) Thể tỳ hư thấp trở: Hình thể béo bệu, phù thũng, chi thể nặng nề, bụng đầy, ăn kém, tiểu ít, chất lưỡi hồng nhạt, rêu mỏng nhờn, mạch trầm tế.
4) Thể tỳ thận dương hư: Hình thể béo bệu, mệt mỏi vô lực, lưng gối mềm yếu, sợ hàn chi lạnh, mặt phù chi thũng, chất lưỡi nhạt hoặc to bều, rêu trắng trơn, mạch trầm tế vô lực.
5) Thể âm hư nội nhiệt: Hình thể béo bệu, đầu váng mắt hoa, đau trướng, lưng gối mềm yếu, ngũ tâm phiền nhiệt, sốt nhẹ, chất lưỡi đỏ, hoặc đầu lưỡi đỏ, rêu ít mà khô, mạch huyền vi tế sác...
Một số huyệt vị châm cứu thường dùng trong điều trị béo phì gồm: Trung quản, thiên khu, quan nguyên, khí hải, chương môn, đại hoành, đới mạch, tỳ du, vị du, can du, cách du, tam tiêu du, thận du, khúc trì, hợp cốc, âm lăng tuyền, túc tam lý, phong long, tam âm giao...
Béo phì giai đoạn sớm, điều trị toàn diện có kết quả rất khả quan. Phương pháp điều trị không dùng thuốc nên chữa trong thời gian dài, nếu không bệnh rất dễ tái phát.