Đó là một chút của cải vật chất mang ý nghĩa giúp đỡ đôi vợ chồng trẻ “chút vốn dắt lưng” làm nền tảng ban đầu cho cuộc sống tự lập. Đáng tiếc là tập tục này đang dần mất đi những sắc thái tốt đẹp.
Nhiều bậc cha mẹ vì một lý do nào đó, thường là lòng sĩ diện, tâm lý không muốn thua kém người khác, khoe của, sự môn đăng hộ đối đã cố gắng tặng cho con gái món quà có giá trị lớn hơn tiềm lực vật chất thực tế của gia đình. Không ít cô gái đòi hỏi, ép buộc cha mẹ mình phải tặng cho mình thứ này thứ kia mà chẳng đoái hoài gì tới tâm tư, nguyện vọng của họ.
Với những biến tướng như vậy, của hồi môn nhiều khi không còn ẩn chứa giá trị tinh thần lớn lao là lời cầu hạnh phúc cha mẹ dành cho con cái mà bị nhuốm màu vụ lợi, bị tầm thường hóa, thậm chí còn là xuất phát điểm của những bi kịch tổn thương tình cảm.
|
Gả con gái đi lấy chồng, bố mẹ đều tặng cô dâu một ít của hồi môn để mang về nhà chồng (ảnh minh họa). |
Sắp đến ngày lên xe hoa, Tuyết nằng nặc đòi cha mẹ mua cho mình kiềng vàng đeo ở cổ vì ''mấy đứa con gái trong xóm đi lấy chồng, đứa nào cũng được cha mẹ tặng cho hẳn kiềng vàng hoặc nhẫn vàng, lắc tay hay dây chuyền". Thấy bạn bè đám cưới ai cũng vàng treo đầy tay, rồi cổ thì có 2 kiềng vàng, chẳng lẽ xinh đẹp như Tuyết lại không có cái nào?
Yêu cầu của Tuyết không được bố mẹ chấp nhận vì gia đình cô nghèo khó, bố mẹ già yếu, nguồn thu nhập chỉ dựa vào mấy sào ruộng, kinh tế gia đình vốn đã khó khăn, giờ lo tổ chức đám cưới cho Tuyết lại phải đi vay mượn thêm. Cô thôn nữ vừa bước sang tuổi 18 ấy chẳng những không biết nghĩ cho bố mẹ mà còn nghĩ rằng họ không thương mình nên đã giận dỗi, khóc lóc rồi đòi hủy đám cưới.
Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, bố mẹ Tuyết đành ngậm ngùi vay nợ lãi để tặng của hồi môn cho con gái. Sự đua đòi mù quáng của tuổi trẻ chính là nguyên nhân khiến Tuyết gieo rắc sầu khổ cho những người từng mang nặng đẻ đau ra mình.
Trước đây, việc trao tặng của hồi môn hoàn toàn do cha mẹ quyết định, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình và những cô gái luôn trân trọng coi đó là vật kỷ niệm thiêng liêng, đánh dấu bước ngoặt hệ trọng trong cuộc đời. Nhưng hiện nay, không ít người con “làm giá” với cha mẹ về giá trị món quà tặng trong ngày cưới.
Điều đáng nói là họ chỉ cốt sau cho thứ của hồi môn họ nhận được phải có giá trị vật chất lớn hoặc những người đến dự đám cưới phải chú ý, phải đánh giá cao chứ thực tâm họ chẳng coi trọng ý nghĩa tinh thần. Không ít trường hợp sau ngày cưới đã đem bán, đổi chác của hồi môn cha mẹ tặng để tiêu xài phung phí, rồi những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ cũng chỉ vì lòng tham của hồi môn.
Chưa đầy 3 tháng sau ngày theo chàng về dinh, biết được bố mẹ tặng hẳn một cây vàng cho Tuyết để làm vốn, nhà chồng thấy vậy tưởng nhà Tuyết giàu có, của chìm của nổi nên bảo Hoàng, chồng Tuyết đặt vấn đề xin tiền để mua nhà ở riêng.
Hoàng bóng gió nhiều lần nhưng chẳng nhận được tín hiệu vui từ đằng nhà vợ nên sinh ra giận dỗi, cáu kỉnh. Bởi nhà Tuyết thuộc vào dạng trung bình, bố mẹ Tuyết cũng vất vả. Mỗi một đứa con gái đi lấy chồng nên ông bà cũng vay ngược vay xuôi để con có của hồi môn bằng bạn bằng bè. Ai ngờ, Tuyết giải thích cho nhà chồng nhưng bố mẹ và cả chồng không hiểu, cho rằng nhà Tuyết có của mà tham lam, không muốn góp tiền mua nhà cho 2 con. Thế rồi, mâu thuẫn giữa Tuyết và nhà chồng cũng từ đó nảy sinh và có nguy cơ tan vỡ.
Đồng tiền luôn có hai mặt, nó có thể làm cho cuộc sống no đủ, sung túc hơn , nhưng cũng có thể làm mất đi tình cảm, đạo đức. Đáng tiếc là không chỉ những cô gái mới lớn ở nông thôn do trình độ thấp nên quan trọng hóa vấn đề của hồi môn mà một số cô gái sống ở thành thị có học thức cũng đề cao tục lệ này một cách thái quá.
Tiệc cưới của Thoa được tổ chức rất sang trọng ở một nhà hàng lớn tại Hà Nội. Hoành tráng nhất là thời khắc nhà gái trao của hồi môn cho cô dâu trước sự chứng kiến của nhà trai và toàn bộ bạn bè. Bố mẹ Thoa trao kiềng vàng, dây chuyền, các cô dì chú bác trao lắc tay, nhẫn, chị gái, em trai cũng trao nhẫn vàng. Và người Thoa lấp lánh toàn vàng nhưng mấy ai hiểu được tất cả kịch bản đó là do Thoa tự vay tiền bạn bè mua để mục đích không bị lép vế nhà chồng bởi nhà chồng trước đây phản đối Thoa, không cho cô lấy Thành làm chồng.
Đặc biệt là chị của Thành, năm nay đã nhiều tuổi mà chưa lấy chồng nên khi Thành vẫn quyết định lấy Thoa, cô ta tức lắm nhưng không làm gì được. Sau đó, biết nhà gái trao tặng nhiều của hồi môn cho Thoa, chị chồng bèn nghĩ ra cách xúi Thành bán hết số vàng để trả nợ cho gia đình vì gia đình nhà Thành còn nợ hơn trăm triệu. Thoa không làm theo cách của Thành nên hiện tại mối quan hệ vợ chồng họ cũng trở nên căng thẳng.
Với các bậc cha mẹ, thứ của hồi môn quý nhất tặng cho con gái chính là những hi sinh thầm lặng để con có ngày hạnh phúc hôm nay vậy mà con cái vô tình làm tổn thương những đấng sinh thành khi đặt họ vào tình thế miễn cưỡng phải lừa dối những người xung quanh.
Phong tục trao tặng của hồi môn ngày càng bị biến tướng, khi con người quá coi trọng kim tiền. Họ lấy đồng tiền làm thước đo chuẩn mực và giá trị cho mọi thứ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc chuyện gả con gái đi lấy chồng cha mẹ phải cho của hồi môn để con gái mang theo về nhà chồng nên bỏ. Thay vào đó, ngày đi lấy chồng, con gái nên mua quà tặng lại cha mẹ đẻ trong ngày cưới của chính mình. Để tỏ lòng biết ơn công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đó mới là việc mà bất cứ cô gái nào đi lấy chồng nào cũng nên làm.
Mời quý độc giả xem video hài hước về ngoại tình (nguồn Youtube):