Cảnh báo mối họa bia rượu, thực phẩm “bẩn” ngày Tết

Google News

Khi chọn mua cần lưu ý ba điểm: một là phải đọc nhãn mác kỹ lưỡng để biết rõ thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng, chất phụ gia...

- Bia rượu, thực phẩm ngày xuân, phong phú về số lượng, hấp dẫn về hình thức. Tuy nhiên, vấn đề an toàn thực phẩm lại làm đau đầu nhà quản lý lẫn người tiêu dùng.TS.BS. Trần Bá Thoại, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với Bee.net.vn về vấn đề này.
[links()]
Vỡ bàng quang vì rượu bia

TS.BS Thoại cho biết không riêng ở nước ta mà cả thế giới nghiện rượu đã và đang là một vấn nạn nhức nhối của gia đình và xã hội, đặc biệt trong những ngày Tết. Theo từ điển mở Wikipedia, ở Đức có đến 4,3 triệu người nghiện rượu, bia với hơn 30% là nữ. Hàng năm, khoảng 15 đến 40 tỷ euro được chi cho rượu, bia.

Rượu lậu bị bắt giữ ở Đà Nẵng
Rượu lậu bị bắt giữ ở Đà Nẵng

Ở Việt Nam, theo BS Lý Trần Tình, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, tỷ lệ bệnh tâm thần do rượu chiếm từ 4,4 đến 7%. Còn theo nhận định của BS Nguyễn Minh Tuấn, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, tỷ lệ loạn thần do rượu chiếm 6%.
 
Ngoài ra, BS Lê Quốc Nam, Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho hay có đến 5 % tổng dân số bị nghiện rượu. Người nghiện hầu hết bị rối loạn mất ngủ, một nửa phải điều trị tâm thần; khoảng 1/3 mắc hội chứng quên, khoảng 1/4 bị rối loạn trí nhớ và đến 60% bị rối loạn cương dương, suy giảm tình dục; mẹ nghiện rượu bia con sinh ra có 35% nguy cơ bị khuyết tật.

BS Nguyễn Thành Như và BS Vũ Lê Chuyên, Bệnh viện Bình Dân ghi nhận có khá nhiều trường hợp hy hữu uống bia bị say, bàng quang căng quá mức nhưng vì say xỉn không đi tiểu được đến nỗi bị vỡ bàng quang.

Dù vậy, tác dụng của bia rượu là không thể phủ nhận. Bia rượu kích thích tiêu hóa, tăng sự ngon miệng, cung cấp thêm năng lượng và chất dinh dưỡng cho cơ thể. Nhiều nghiên cứu cho thấy nếu dùng một ít thức uống có cồn, đặc biệt là rượu vang đỏ có thể làm giảm tỷ lệ bệnh xơ vữa động mạch, giảm tỷ lệ bệnh lý mạch vành của quả tim, uống từ 20 đến 40 gam mỗi ngày sẽ làm tăng tuổi thọ.

Nhưng đằng sau mặt tích cực của bia rượu là mặt trái của nạn nghiện rượu với tình trạng lạm liều thuốc "thăng hoa" cuộc sống này.

Báo động đỏ thực phẩm “bẩn”
a
TS.BS. Trần Bá Thoại

Ông có thể cảnh báo những mối nguy hại này?

Người nghiện rượu sẽ bị hội chứng Wernickle Korsakoff, gồm 2 chứng rối loạn chức năng não là mất khả năng nhớ (amnesia) và nhớ lẫn lộn, nôm na gọi là “teo não”, đây là bệnh lý não do thiếu vitamin B1 kéo dài. Vitamin B1 giữ một vai trò quan trọng trong hệ thống chuyển hóa năng lượng cho hoạt động của mọi cơ quan, đặc biệt là cho não bộ con người. Teo não còn gây nhiều hệ lụy khác như mất ngủ, ảo giác, nói nhiều, hoang tưởng, run tay chân, thậm chí bị tâm thần phân liệt.

Thực phẩm “bẩn” ngày Xuân đang là vấn đề đáng lo ngại với sức khỏe người tiêu dùng. Là một chuyên gia về nội tiết, tiêu hóa, ông có nhận định gì về vấn đề này?

Ngay từ bài học sơ đẳng của bậc tiểu học, hai vấn đề chính trong ô nhiễm thực phẩm là nhiễm trùng (nhiễm vi sinh vật gây bệnh) và nhiễm độc (nhiễm hoá chất độc hại) đã được nêu chỉ đích danh. Vi sinh vật, gồm cả vi trùng, ký sinh trùng và vi rút, sống xung quanh chúng ta. Thức ăn, đặc biệt những món chứa nhiều chất đường và chất đạm, là những môi trường “nuôi cấy” lý tưởng cho những vi sinh vật này sinh sôi, phát triển rồi gây bệnh. May mắn là chỉ cần ăn chín uống sôi là hầu hết các vi sinh vật gây bệnh, nhiễm trùng gần như bị tiêu diệt.

Nhưng căng thẳng, phức tạp nhất là vấn đề thức ăn nhiễm độc. Thực phẩm có thể bị nhiễm độc qua hai nguồn: một là bị ô nhiễm bởi các hoá chất độc hại vương vãi trong môi trường sống và hai là nhiễm độc từ các chất phụ gia do chính con người chủ động cho vào nước uống, thức ăn.

Như thế, các chất phụ gia đang sử dụng nhiều trong việc chế biến thực phẩm là “thủ phạm” nguy hiểm nhất?

Những hoá chất độc hại từ môi trường có thể xâm nhập vào cơ thể con người qua thực phẩm như chì, thuỷ ngân, xyanua, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ hoặc các chất độc sản sinh ra trong quá trình chế biến thức ăn như aflatoxin trong nước tương, nitrosamine trong dưa muối, acrolein trong mỡ dầu bị rán nướng cháy… Nhưng chính các chất phụ gia mới là mầm mống gây nhiễm độc thực phẩm nhiều nhất hiện nay.

Chất phụ gia (food additives) là những chất con người dùng trong quá trình sản xuất, chế biến, đóng gói, bảo quản, vận chuyển thực phẩm. Nếu nhận định thật công bằng và khách quan khoa học, thì chất phụ gia góp phần rất quan trọng để cho chúng ta những món ăn ngon, hấp dẫn, thậm chí còn tăng thêm chất lượng dinh dưỡng và độ an toàn nếu chúng đươc sử dụng bài bản và đúng chỉ dẫn.

Oái ăm thay, trong thực tế, nhiều nhà sản xuất đã lạm dụng các chất phụ gia (hàn the trong chả giò; formol trong bún phở, diêm tiêu trong lạp xường, dăm bông, thịt nguội; mì chính (bột ngọt) được nêm vô tội vạ vào thức ăn.)
 
Nghiêm trọng hơn rất nhiều kẻ bất lương còn đang tâm sử dụng cả những hoá chất công nghiệp để chế biến thức ăn cho người: pha melamine vào sữa, dùng rhodamine B để nhuộm hạt dưa và tương ớt, dùng phân urê (đạm) để ướp cá, dùng malachite green để nhuộm cốm và bánh chưng xanh.

Nhiều người đã biến chất phụ gia vốn là những chất “có công” biến thành món tội đồ do dùng sai quy cách, và thậm chí là “đầu độc” người tiêu dùng bằng hóa chất độc hại. Điều điều cần hết sức lưu ý, độc chất tác hại sẽ tích lũy, gây tổn thương lâu dài, chúng sẽ làm suy gan, suy thận, suy tủy xương, tổn thương hệ thần kinh không hồi phục, gây u bướu, làm bùng phát ung thư, dị tật….
   
Ông có khuyến cáo gì với người tiêu dùng trong việc ăn uống, sử dụng thực phẩm ngày Tết?

Ăn uống mang lại năng lượng, sức khỏe cho con người. Bia rượu chắc chắn sẽ là người bạn tốt nếu chúng ta hiểu đúng và dùng đúng mục đích; ngược lại nếu sử dụng lạm dụng thì nó sẽ là kẻ thù, mầm mống bệnh tật, đau khổ cho cả bản thân, gia đình và xã hội.

Riêng với thực phẩm, cần tránh thức ăn bị vương nhiễm các chất độc như chì, thuỷ ngân, xyanua, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân urê, chất nhuộm màu công nghiệp (như rhodamin B, sudan III, jaune de beurre), hàn the (trước đây cho dùng, nay đã cấm). Bên cạnh đó, cần sử dụng hợp lý, đúng quy định những chất phụ gia cần thiết như muối ăn, diêm tiêu, chất màu thực phẩm, dấm.

Trước nhiều sản phẩm trên thị trường ngày Tết, khi chọn mua cần lưu ý ba điểm: một là phải đọc nhãn mác kỹ lưỡng để biết rõ thành phần, hàm lượng chất dinh dưỡng, chất phụ gia và hạn dùng của sản phẩm, hai là nên và chỉ mua thực phẩm ở những nhà sản xuất, thương hiệu tin cậy, quen biết và ba là đừng chọn thực phẩm theo marketing, quảng cáo kiểu “mách miệng”, không có cơ sở khoa học để chứng minh.

Xin cảm ơn ông!
 

Theo ông Nguyễn Minh Tiến, Chi Cục Trưởng Chi cục VSATTP TP Đà Nẵng: Hiện, Chi cục VSATTP thành lập gần 70 đoàn liên ngành từ cấp thành phố đến cơ sở, tăng cường kiểm tra việc tuân thủ các điều kiện về VSATTP tại tất cả các chợ, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm và phụ gia phục vụ sản xuất thực phẩm… Qua kiểm tra, lực lượng chi cục phát hiện một số cơ sở chế biển chả tại các chợ trên địa bàn vẫn còn sử dụng hàn the (chất phụ gia bị cấm) để chế biến sản phẩm đưa ra thị trường ngày Tết 2012.

Xuân Tuyết (thực hiện)

Bình luận(0)