Từ tháng 5 đến nay, các ca COVID-19 xuất hiện trở lại ở Trung Quốc. Hầu như ngày nào cũng có trường hợp dương tính mới do biến chủng Delta gây ra. Đợt bùng phát hiện tại đã trở thành làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc từ khi virus lây lan ở Vũ Hán hai năm về trước, theo Bloomberg.
Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất từ đầu dịch (có thời điểm nhà chức trách phải đóng cửa công viên Disneyland Thượng Hải sau khi có một ca nhiễm), SARS-CoV-2 vẫn lan rộng khắp đất nước. Và bất chấp việc các nước từng theo đuổi "Zero Covid-19" tương tự Trung Quốc đã chuyển sang chung sống với dịch vì không thể truy vết và cách ly kịp tốc độ lây lan của biến chủng Delta, Trung Quốc vẫn duy trì các biện pháp nghiêm ngặt để triệt để loại bỏ virus khỏi cộng đồng.
Bloomberg nhận định thành công và uy tín có được trong giai đoạn đầu dường như vẫn củng cố quyết tâm chống dịch của Trung Quốc, ngay cả khi nước này đối phó với sự nguy hiểm của biến chủng Delta.
|
Trung Quốc vẫn kiên trì thực hiện "Zero Covid-19" khi đối mặt với biến chủng Delta. Ảnh: AFP. |
Thành tựu ban đầu
Trung Quốc từng không ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng suốt 1/3 thời gian trong 18 tháng đầu tiên đại dịch. Nước này cũng không có ca nhiễm mới trong 177/540 ngày qua.
Con số nói trên là khác biệt lớn nếu so sánh với mức trung bình 85.000 trường hợp dương tính mới mỗi ngày ở Mỹ, dù Trung Quốc có dân số đông hơn gấp bốn lần.
Dù vậy, những thành quả tương tự ngày càng ít đi. Biến chủng Delta lây lan nhanh đã vượt qua nhiều lớp kiểm dịch chặt chẽ, dù đó là cách ly kéo dài hay kiểm soát biên giới xuyên suốt từ hạ sang thu.
Thách thức càng gia tăng khi Trung Quốc sắp bước sang mùa đông. Thậm chí, một chu kỳ lây lan phức tạp hơn có thể đến vào thời điểm nhu cầu di chuyển của người dân tăng vọt vào dịp Tết Nguyên đán tháng 2/2022.
Những quốc gia theo đuổi chiến lược "Zero Covid-19" giai đoạn đầu như Australia và Singapore đều đã cho rằng việc chống dịch triệt để quá tốn kém. Trung Quốc đang dần trở nên đơn độc khi vẫn kiên trì với cách tiếp cận của mình.
Khi hầu hết thế giới đang học cách sống chung với đại dịch, quyết định của Trung Quốc đặt nước này vào trạng thái tương đối bấp bênh, nhất là trong thời điểm số ca dương tính của quốc gia châu Á vẫn không ngừng tăng lên.
"Hãy nhìn vào kết quả"
Sau năm tuần căng mình đối phó với đợt lây nhiễm mới bùng phát, nhiều địa phương vẫn ghi nhận một số ca dương tính mỗi ngày.
Ông Wu Liangyou, quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, lý giải về việc Bắc Kinh buộc phải tăng cường nỗ lực kiểm soát: “Dịch bệnh vẫn bùng phát ở các nước láng giềng và trên toàn thế giới, tạo ra thách thức rất lớn cho Trung Quốc vào mùa đông và mùa xuân tới”.
Trên thực tế, cách tiếp cận nói trên vẫn nhận được sự hưởng ứng trong nước. Trong khi SARS-CoV-2 cướp đi sinh mạng của 5 triệu người trên thế giới, Trung Quốc - quốc gia có ca mắc đầu tiên - ghi nhận chưa đến 5.000 người tử vong.
|
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm ở tỉnh Phúc Kiến (Trung Quốc) hôm 14/9. Ảnh: Reuters. |
"Hãy nhìn vào kết quả", CCTV dẫn lời ông Liang Wannian, người đứng đầu nhóm ứng phó với Covid-19 của Trung Quốc.
“Đầu tiên, chúng tôi có thể nhanh chóng dập tắt một đợt bùng phát lớn và giảm số ca nặng cũng như tử vong. Kế đến, nền kinh tế Trung Quốc cũng không bị ảnh hưởng từ các biện pháp và chiến lược mà chúng tôi đã thực hiện”, ông Wannian nói.
Theo ông Wannian, nới lỏng hạn chế quá sớm có thể đánh mất những thành quả chống dịch vốn rất khó đạt được trong giai đoạn đầu, từ đó khiến hệ thống y tế quá tải và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Áp lực kinh tế
Thực tế cho thấy trong khi nỗ lực của Trung Quốc buộc nước này luôn phải cảnh giác, đã có những dấu hiệu chứng tỏ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt đang đè nặng lên nền kinh tế.
Từ một nhóm du khách nhỏ đến thăm khu vực Tây Bắc Trung Quốc, đợt bùng phát gần nhất đã nhanh chóng lây lan ra 2/3 trong số 31 tỉnh của đại lục.
Dù chính quyền địa phương ra lệnh phong tỏa, xét nghiệm nhanh người dân ở các thành phố có ca nhiễm và cách ly những trường hợp tiếp xúc gần, đại dịch vẫn bùng phát ở nhiều nơi khác, buộc hệ thống chống dịch cả nước vào cuộc.
Ở một địa phương, nhà chức trách đã chuyển tất cả đèn giao thông sang đỏ để ngăn người dân ra ngoài, trong khi một nơi khác quyết định dựng tường ở biên giới giáp Myanmar nhằm kiểm soát lây nhiễm.
Trong đêm Halloween, công viên Disneyland Thượng Hải lặng lẽ đóng cửa để nhân viên y tế tràn vào lấy mẫu xét nghiệm hàng chục nghìn khách trước khi họ rời đi.
Ngoài ra, một số thành phố còn mở rộng bộ tiêu chí truy vết, cách ly cả những người ở cách xa ca nhiễm gần một cây số.
Bà Wang Tao, chuyên gia kinh tế Trung Quốc, cho biết việc hạn chế triệt để có khả năng kìm hãm tiêu dùng, góp phần gây ra suy thoái kinh tế. Bà Wang nói rằng những biện pháp chống dịch đang khiến lĩnh vực du lịch và dịch vụ tê liệt.
Theo bà Wang, nếu các quy định phòng dịch vẫn được kéo dài sau Olympic Bắc Kinh tháng 2/2022, tăng trưởng của Trung Quốc có thể chỉ còn 4% trong năm 2022, giảm so với dự báo hiện tại là 5,4%.
“Tôi không nghĩ đưa số ca mắc về mức 0 là lựa chọn hợp lý", ông Jason Wang, chuyên gia tại Đại học Stanford, cho biết.
"Cách tiếp cận 'Zero Covid-19' rất khó thực hiện, nhất là với các biến chủng khác nhau", ông Jason Wang khẳng định.