Trao đổi với phóng viên Báo Tri thức và Cuộc sống trước hiện tượng sương mù dày đặc và độ ẩm cao có ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe, ông Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho hay sương mù là hiện tượng thường xuất hiện trong mùa Đông ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang…
Tại Hà Nội, thời tiết ngày hôm nay có nhiều sương mù là hiện tượng khá hiếm trong nhiều năm gần đây.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng sương mù dày và mưa phùn dự báo sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng ngày 4/2. Từ ngày 5/2, hiện tượng này sẽ giảm.
“Hiện tượng sương mù ở Hà Nội hôm nay là vấn đề của thời tiết và khí hậu, vì vậy Bộ Y tế khuyến cáo người già khi ra ngoài trời trong thời tiết này cần giữ ấm và đeo khẩu trang để phòng tránh lây nhiễm những bệnh về đường hô hấp," ông Tâm phân tích.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Khoa – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho hay hiện tượng sương mù trong sáng nay tại Hà Nội là hiện tượng tự nhiên, không phản ánh chuyện ô nhiễm không khí hay không, chủ yếu do độ ẩm không khí lớn gây ra sương mù. Việc độ ẩm tăng cao cũng là một yếu tố nguy cơ gây ra tăng việc lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.
Cách phòng chống các bệnh khi sương mù dày đặc và độ ẩm cao.
Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, thời tiết vẫn diễn biến bất thường, tại khu vực miền Bắc đang là mùa giá lạnh, hanh khô, xen kẽ nồm ẩm là nguyên nhân nhiều dịch bệnh truyền nhiễm lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng... và một số bệnh có vắc xin dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Đặc biệt dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động công tác phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp và trong dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội, ngày 22/12/2023, Cục Y tế dự phòng- Bộ Y tế khuyến cáo (lưu ý) người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như sau:
- Đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
- Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng;
- Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
- Tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh đường hô hấp như ho, sốt, khó thở…và khi có dấu hiệu mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.