Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS)
Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS - Sudden Infant Death Syndrome) là hiện tượng tử vong không rõ nguyên nhân ở các bé dưới 1 năm tuổi, hay phổ biến hơn là dưới 3 tháng tuổi.
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ, SIDS là trường hợp trẻ nhỏ dưới 1 tuổi chết đột ngột, xảy ra lặng lẽ, bất ngờ với ngay cả trẻ dường như đang rất khỏe mạnh. Trẻ gặp hội chứng SIDS thường không rõ nguyên nhân, ngay cả sau khi đã thực hiện đầy đủ các bước điều tra chuyên môn như khám nghiệm tử thi, kiểm tra hiện trường và xem xét lại lịch sử lâm sàng của trẻ tử vong. Số liệu thống kê, tại Mỹ, hơn 2000 trẻ chết không rõ nguyên nhân trong năm 2010. 90% trẻ đột tử nằm trong nhóm tuổi dưới 6 tháng tuổi.
Có dấu hiệu cho thấy hội chứng đột tử sơ sinh bị tác động bởi yếu tố mùa trong năm. Thống kê trong các nghiên cứu đều ghi nhận số lượng ca đột tử sơ sinh tăng vào mùa đông. Hiện tượng này được các chuyên gia cho rằng có lẽ liên quan đến sự bùng phát của các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Mặc dù vậy, những nguyên nhân cụ thể khiến trẻ tử vong khi ngủ dường như vẫn chưa được xác định rõ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng trẻ tử vong đột ngột có một số dấu hiệu ở não bộ bất thường. Theo đó, hệ thống các tế bào thần kinh có vai trò kiểm soát nhịp thở, nhịp tim, áp lực máu, nhiệt độ cơ thể có những dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, hiện nay, chưa có phương pháp nào có thể nhận diện được những trẻ em có các dấu hiện nguy cơ.
Bên cạnh đó, nhiều nhà khoa học tin rằng những phát hiện liên quan đến não bộ trẻ chưa thể giải thích đầy đủ nguyên nhân gây ra SIDS. Các bằng chứng cho thấy vẫn có những vấn đề khác liên quan đến cái chết đột ngột khi ngủ ở trẻ dưới 1 tuổi, chẳng hạn như sức khỏe bẩm sinh còn non yếu; có vấn đề khó khăn trong quá trình phát triển; tác oộng từ bên ngoài. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng khi trẻ cùng lúc gặp cả 3 vấn đề này, nguy cơ tử vong đột ngột là rất cao.
BS Nguyễn Minh Tuấn, chuyên khoa Nhi, Phòng khám đa khoa Hà Nội, cho rằng việc trẻ sơ sinh mắc SIDS cũng không ngoại trừ các tác động ngoại cảnh không mong muốn, như việc bị ngạt, bạt hơi khi ngủ cùng người lớn; hoặc bị chèn đè như trường hợp cháu bé 4 tháng tuổi chết não khi ngủ cùng mẹ là do bị chèn vào đường thở gây ngạt. Thậm chí thực tế có bé tử vong do mẹ nằm cho bú và bị ngực mẹ chèn vào mũi bít đường thở. Các bé cũng có thể gặp nguy hiểm với chăm, gối, đồ chặn giường ngủ cho bé; hoặc khi bé lẫy nằm sấp gục mặt xuống gối; hoặc chỉ đơn giản là vì gối mềm khiến bé nằm bị gập cổ gây chẹn khí quản…
Làm thế nào để ngăn ngừa hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ sơ sinh?
BS Tuấn cho rằng việc để trẻ ngủ chung hay ngủ riêng tùy vào điều kiện, hoàn cảnh cũng như quan điểm của mỗi gia đình; không có cách nào tối ưu hơn cách nào, vì thực tế dù ngủ chung hay ngủ riêng trẻ đều có thể gặp những nguy cơ nhất định. Điều quan trọng là cha mẹ, người chăm sóc cần xem xét, bố trí không gian ngủ cho trẻ tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ.
Bạn nên đặt bé ngủ ở giường, đệm rộng rãi. Nếu ngủ chung cũng cần cho bé không gian thoáng, không nên ôm chặt hoặc cho bé nằm áp sát người lớn. Nếu cho bé nằm cũi riêng nên đặt gần giường ngủ của mẹ để tiện theo dõi, chăm sóc bé. Nệm và tấm trải cũi phải vừa khít, không vướng víu, tránh trường hợp bé có thể kéo, hất lên mặt. Bỏ hết đồ chơi, thú bông ra khỏi cũi, xung quanh khu vực ngủ của bé. Chú ý giữ thông thoáng khu vực xung quanh đầu bé.
Nhiệt độ phòng cần được điều chỉnh phù hợp, mát nhẹ. Giữ không khí trong phòng thoáng, trong lành nhưng tránh gió lùa. Nên có chăn ủ cho trẻ sơ sinh để phòng cảm lạnh vì trẻ sơ sinh chịu lạnh rất kém. Luôn có ý thức giữ không khí trong lành trong phòng cho bé.
Theo nghiên cứu của Học viện Bệnh nhi Mỹ, để tránh nguy cơ SIDS, thai phụ nên chú trọng việc chăm sóc sức khỏe thai sản từ sớm, thường xuyên và liên tục. Phụ nữ tránh hút thuốc, uống rượu, sử dụng chất cấm khi mang thai và sau khi sinh. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu cho bé bú mẹ và mẹ không hút thuốc, bé đã được nằm trong nhóm có ít khả năng mắc phải SIDS.
Học viện Bệnh nhi Mỹ cũng khuyến nghị đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ để giúp giảm thiểu nguy cơ SIDS. Bên cạnh đó, cần chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bé và lưu tâm đến từng thay đổi nhỏ của trẻ để có thể phản ứng kịp thời trong các trường hợp nguy hiểm.