Đến với nhau khó bao nhiêu thì nói chia tay thế nào cho êm đềm nhẹ nhàng lại càng khó khăn bấy nhiêu.
Rất nhiều cuộc chia tay đi đến bước đường không thể nhìn mặt nhau được nữa chỉ vì nói ra không đúng cách. Vậy, kết thúc thế nào để hạn chế bớt tỉ lệ sát thương và văn minh nhất có thể?
Nói trực tiếp
Đó chính là sự tôn trọng đối phương. Hãy sắp xếp một cuộc gặp mặt trực tiếp giữa hai người. Không qua tin nhắn, không qua trung gian, cũng không phải bất kỳ một hình thức nào khác ngoài mặt đối mặt.
Điều này thể hiện được hai yếu tố, đầu tiên là tinh thần trách nhiệm của chúng ta đối với lời chia tay, tiếp theo là sự tôn trọng đối phương hết mực. Đây đều là hai yếu tố cần thiết cho một lần chia tay vừa nhẹ nhàng vừa ý nghĩa.
Chúng ta đã đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm về những lời nói mình sắp thốt ra, cũng đủ mạnh mẽ để đối mặt với những thay đổi trong mối quan hệ.
Nói rõ lý do chia tay
Chắc chắn khi nói chia tay, người kia sẽ hỏi ''tại sao''. Vì vậy bạn cần cho người ấy một lý do rõ ràng, cụ thể. Khi mà mọi thứ đã quá rõ, người kia sẽ hiểu được sự thẳng thắn, dứt khoát của bạn.
Cho dù thời gian đầu có thể rất đau khổ, song dần dần người đó sẽ dành cho bạn sự tôn trọng vì sự trung thực và thẳng thắn của mình.
Điều đau khổ nhất với người bị bỏ lại đó là không được biết chính xác lý do hai người "đường ai nấy đi" là gì. Sau chia tay, họ sẽ dằn vặt, hoang mang, tự vấn rất nhiều. Họ cần được biết lý do để đối diện với cuộc chia ly, cũng là rút kinh nghiệm cho lần yêu tới.
Chuẩn bị tinh thần trước phản ứng của đối phương
Khi bạn là người nói lời chia tay, bạn cần chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Hãy chân thành lắng nghe, giải đáp mọi thắc mắc của họ và chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra.
Vì đau lòng nên có lẽ họ sẽ khóc và cố gắng níu giữ mối quan hệ này, nhưng bạn cũng cần phải cẩn thận trước những hành động, phản ứng mạnh từ đối phương.
Không đổ lỗi cho đối phương
Rất nhiều cuộc chia tay đi đến bước đường không thể nhìn mặt nhau được nữa. Phần lớn các cuộc chia tay này kết thúc trong cãi vã, vì ai cũng đổ lỗi và trách cứ đối phương đến mức nặng nề.
Đổ lỗi đúng sai cũng không còn thay đổi được kết cục chia tay, hà cớ gì phải dày vò nhau đến phút cuối cùng, phải không?
Tỏ thái độ dứt khoát và cứng rắn
Tốt nhất khi đã không còn yêu và muốn chia tay, bạn nên tỏ thái độ dứt khoát để người kia hiểu. Mặc dù nghe có vẻ hơi tàn nhẫn, song cách này sẽ giúp cả hai không còn những hy vọng hão huyền về một mối quan hệ đã không thể cứu vãn.
Việc càng lấp lửng hoặc dè chừng thái độ của đối phương sẽ chỉ khiến bạn thêm chùn bước và khó chia tay dứt khoát.
Có thể bạn sẽ đề nghị làm bạn với người yêu cũ, nhưng hãy hiểu rằng cả bạn và họ đều cần thời gian để ổn định tâm lý sau khi chia tay.
Nếu cả hai quyết định vẫn giữ liên lạc, hãy thể hiện cho họ thấy rằng về sau hai người chỉ dừng lại ở mức độ bạn bè. Đừng hứa hẹn hay gieo hy vọng về một cơ hội tái hợp trong tương lai.
Giai đoạn đầu chia tay, có hạnh phúc bên tình mới cũng đừng công khai rầm rộ. Chia tay rồi, ai cũng có quyền tìm cho mình người yêu/người bạn đời khác. Thế nhưng dù không còn tình cảm với người cũ nhưng bạn cũng cần nghĩ đến cảm giác của họ.
Sẽ ra sao nếu vừa chia tay, trong khi anh/cô ấy đang tổn thương thì bạn lại chia sẻ rầm rộ hình ảnh thân mật, hạnh phúc với người mới trên mạng xã hội? Điều này chắc chắn dù ít hay nhiều cũng sẽ gây tổn thương cho người cũ của bạn.
Xét cho cùng, chúng ta từng yêu, từng vì nhau, không đến được với nhau thì xem như duyên phận ngắn ngủi. Hãy trân trọng đoạn tình cảm đẹp để nhớ về đối phương như phần ký ức thanh xuân.
Hãy coi những hiểu lầm, sai trái của nhau là bài học để biết tốt hơn với người mới, chứ không phải để thù hằn và ghét bỏ. Hãy để tình cảm ấy được chôn cất theo cách yên bình nhất, bằng cách chia tay người yêu nhẹ nhàng nhất, không gây tổn thương cho đôi bên.