Các chuyên gia cho biết ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc sẽ tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính. Ngoài ra, Tiến sĩ Sarmed Sami, chuyên gia làm việc tại London (Anh), cũng chia sẻ về các thực phẩm bác sĩ tiêu hóa không bao giờ ăn.
Thịt đã xử lý
Thịt đã qua chế biện tiện lợi, thơm ngon nhưng chứa nhiều chất không tốt. Ảnh: Daily Mail
Đây là những loại thịt được bảo quản nhờ quy trình liên quan đến xông khói, ướp muối và thêm hóa chất. Đó là xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội. Quá trình chế biến có thể gia tăng thời hạn sử dụng, mùi vị nhưng khi ăn quá nhiều, thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe.
Theo Quỹ Nghiên cứu Ung thư Thế giới, nitrat và nitrit dùng để giữ màu sắc và hương vị của thịt có thể chuyển đổi thành các hóa chất độc hại như nitrosamine trong ruột, được coi là yếu tố nguy cơ gây ung thư đại trực tràng.
Những thực phẩm này cũng ít chất xơ - chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Thịt chế biến thường có nhiều chất béo bão hòa, khiến các vi khuẩn có hại phát triển quá mức, có thể dẫn đến viêm ruột.
Thực phẩm từ sữa giàu chất béo
Các sản phẩm từ sữa bao gồm sữa, kem, phô mai cung cấp cho cơ thể protein và nguồn canxi. Mặc dù có lợi cho sức khỏe, thực phẩm từ sữa không dành cho tất cả mọi người, trong đó có nhóm không dung nạp lactose (một loại đường). Họ có thể bị các triệu chứng không mong muốn như đầy hơi, đau bụng, tiêu chảy.
Những thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo bão hòa tốn thời gian hơn để tiêu hóa, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng khó tiêu và trào ngược đồng thời góp phần gây viêm ruột.
Đồ chiên rán
Theo Daily Mail, thực phẩm chiên rán có thể gây ra các vấn đề về dạ dày do khó tiêu hóa và có thể dẫn đến buồn nôn và khó chịu ở bụng. Ăn nhiều chất béo sẽ kích hoạt túi mật giải phóng mật để phân hủy thực phẩm. Khi quá trình đó bị quá tải sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, buồn nôn và chuột rút.
Nhiệt độ cao được sử dụng để chiên thực phẩm cũng có nguy cơ tạo ra các hợp chất khó phân hủy, góp phần gây viêm và stress oxy hóa trong hệ tiêu hóa.
Giảm lượng thức ăn chiên rán và tần suất ăn sẽ cải thiện sức khỏe đường ruột của bạn.
Thức uống có đường
Nhiều người dùng đồ uống có đường mỗi ngày. Ảnh minh họa: Scripps
Lạm dụng đường có liên quan đến tăng cân, yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh. Thói quen xấu này ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ vi sinh vật đường ruột.
Lượng đường trong máu tăng đột biến kích hoạt phản ứng viêm trong cơ thể. Tình trạng viêm có thể gây tổn thương niêm mạc ruột và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến đường ruột như bệnh Crohn hoặc hội chứng ruột kích thích.
Ngoài ra, vi khuẩn có hại có thể phát triển quá mức còn vi khuẩn có lợi suy giảm. Sự rối loạn đó dễ gây ra các triệu chứng liên quan đến đường ruột như đầy hơi, táo bón và tiêu chảy.