Ung thư não Glioblastoma trở thành nỗi ám ảnh
Mỗi năm, có khoảng 12.000 người ở Mỹ được chuẩn đoán mắc Glioblastoma - loại u não phổ biến nhất. Bệnh nhân thường tử vong chỉ trong khoảng 2 năm sau khi được chẩn đoán bệnh. Bệnh nhân chỉ có 10% cơ hội sống sau 5 năm và hầu hết trong số họ đều không có tiền sử ung thư gia đình.
Dù áp dụng chế độ điều trị tiêu chuẩn với bệnh gồm hóa trị và xạ trị, các khối u thường xuất hiện trở lại trong 6 tháng. Nguyên nhân do các tế bào gốc u não thường sống sót sau các đợt điều trị, tiếp tục phân chia và tạo ra tế bào ác tính mới.
|
Ung thư não Glioblastoma trở thành nỗi ám ảnh. Ảnh minh họa. |
Ung thư Glioblastoma không lây lan đến nội tạng khác, tuy nhiên nó lại rất khó xác định. Không giống như các dạng ung thư não khác thường có điểm tập trung hơn, glioblastoma có thể xảy ra trên bất cứ phần nào của não. Vào thời điểm mắc bệnh, các sợi nhỏ có thể lan truyền ra toàn bộ não mà máy quét không thể soi tới. Cho nên ngay cả khi khối u chính đã được cắt bỏ, bệnh nhân được hóa xạ trị thì bệnh vẫn quay lại.
Bước tiến y học: Điều trị ung thư não bằng virus Zika
Chính vì vậy các nhà khoa học luôn tìm cách để có thể đẩy lùi căn bệnh trên và mới đây các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Washington ở St. Louis và Đại học California, San Diego, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố mới, liên quan đến việc điều trị căn bệnh u não nguy hiểm.
Họ nhận thấy mặc dù virus Zika là tác nhân gây teo não, khiến trẻ sinh ra có phần đầu nhỏ dị thường, não phát triển lệch lạc hoặc không phát triển nhưng nó có thể phát triển các tế bào não thay cho tế bào não người. Vì vậy đây được xem là phương pháp điều trị tiềm năng cho căn bệnh u não glioblastoma.
|
Bước tiến y học: Điều trị u não bằng virus Zika. Ảnh minh họa. |
Cụ thể, Zika được cho là có thể tiêu diệt các tế bào gốc thúc đẩy u nguyên bào thần kinh đệm ác tính glioblastoma phát triển. Ý tưởng này xuất phát từ việc các nhà khoa học nhận thấy virus Zika nguy hại với thai phụ do gây khuyết tật lớn ở trẻ sơ sinh khi tấn công vào tế bào gốc của não trong quá trình đang phát triển. Tuy nhiên, đối với người trường thành, khi não đã hoàn thiện, virus này chỉ gây ra một số triệu chứng nhẹ như virus cảm cúm thông thường.
Để thử nghiệm giả thuyết điều trị u não bằng virus Zika nêu trên, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một phiên bản virus Zika đã làm yếu đi, không có khả năng lấn át hệ miễn dịch của người khỏe mạnh. Sau đó, virus này được đưa vào tế gốc Glioblastoma được lấy từ người bệnh.
Kết quả cho thấy, khi đưa virus Zika vào khối u, các virus đã tiêu diệt các tế bào ung thư và loại trừ những tế bào còn lại. Thí nghiệm tương tự được thực hiện trên chuột, giúp nhóm có khối u thần kinh nhỏ dần và sống lâu hơn nhờ tiêm virus Zika.
Tuy nhiên, các nhà khoa học tiết lộ, họ sẽ phải tiến hành nhiều thử nghiệm hơn nữa trong thời gian tới, bởi nghiên cứu này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Mặc dù kết quả đã có rất hứa hẹn nhưng trên thực tế, nhiều loại thuốc cũng có triển vọng tương tự ở động vật nhưng không đạt kết quả tốt với người. Quan trọng hơn, Zika là virus gây quan ngại lớn cho toàn thế giới.
“Những lo ngại về sức khoẻ cộng đồng sẽ phải được giải quyết thông qua các thử nghiệm tiền lâm sàng, đánh giá khả năng lây lan hoặc sự xuất hiện những chủng virus nguy hiểm hơn” - ông Michael Diamond, Đại học Washington, đồng tác giả nghiên cứu kết luận.