Khi Lele muốn mặc váy đến trường học ở Bắc Kinh, bố mẹ cậu đã ủng hộ nhưng cũng không quên cảnh báo: "Con sẽ nhận được rất nhiều sự chú ý đấy".
Quả thật, bạn bè của Lele đã chế nhạo cậu, thậm chí nhiều em còn kéo váy của Lele. Trong khi đó, các giáo viên đổ lỗi cho cậu bé vì đã mặc “quần áo không phù hợp”.
“Tại sao Lele lại mặc váy đến trường? Các học sinh khác đang nói về em ấy”, giáo viên nhắn với phụ huynh của Lele.
Cha của cậu bé, người đàn ông họ Tang, chia sẻ hai vợ chồng đã ngồi xuống với Lele sau khi cậu kể lại những gì đã xảy ra ở trường. Người cha cho biết cậu bé đã khóc khi kể lại câu chuyện. “Thầy giáo có ý kiến khác. Chúng ta cũng nên tôn trọng thầy”, Tang nói với Lele.
Tang lần đầu tiên chia sẻ trải nghiệm của Lele trên mạng xã hội vào cuối tuần qua. Ông bố này đăng hình ảnh Lele đang mặc thử chiếc váy màu xanh lam tại trung tâm mua sắm và ảnh cậu mặc nó đến trường với một chiếc ba lô trên vai.
“Là một người cha, tôi thực sự có nhiều cảm xúc lẫn lộn khi xem con trai mình chọn váy. Nhưng tôi không có lý do gì để phản đối”, Tang chia sẻ trong một bài viết thu hút hàng nghìn lượt xem trên mạng xã hội.
Bài đăng của Tang đã dấy lên làn sóng bình luận về việc nuôi dạy con cái. Trong khi nhiều người ủng hộ cách chọn quần áo của Lele, một số người lại cho rằng cha mẹ đã khiến con trai họ bị bắt nạt một cách không cần thiết - một vấn đề phổ biến ở các trường học ở Trung Quốc.
|
Lele thử váy ở trung tâm thương mại (trái) và mặc đến trường (phải). |
“Đứa trẻ không biết về các nguy hiểm nó có thể mang lại cho mình. Liệu cậu bé có đủ sức chống chọi với áp lực bên ngoài đó không?”, một người bình luận.
“Đặt đứa trẻ vào một vị trí cực kỳ dễ bị tổn thương mà không hiểu về nguy cơ tiềm ẩn thật là vô trách nhiệm”, một người khác nói thêm.
Tuy nhiên, các chuyên gia về giới tính và tình dục như Se-A, người sáng lập nhóm vận động giáo dục giới tính MayLove, tin rằng người lớn không nên áp đặt những định kiến về giới lên trẻ em, bao gồm tất cả mọi thứ từ việc chúng chọn mặc gì cho đến những công việc gia đình mà cha mẹ yêu cầu chúng thực hiện.
Se-A nói: “Chúng ta không nên sử dụng giới tính để áp đặt những gì trẻ có thể và không được làm. Phụ huynh nên cho trẻ tự do khám phá khả năng của chính mình hơn”. Trong những năm gần đây, nhiều quan điểm về giới tính và tình dục trong giới trẻ Trung Quốc đang dần thay đổi.
Nhiều người nổi tiếng là nam đang ngày càng xóa nhòa ranh giới khi bác bỏ niềm tin truyền thống về thế nào là đàn ông, đến nỗi họ được gọi là “tiểu thịt tươi” - những chàng trai có vẻ ngoài, đường nét thanh tú và nhiều nữ tính.
Trong khi đó, các nghiên cứu cho thấy những người không phải là người nổi tiếng cũng đang ngày càng đón nhận các xu hướng thời trang không phân biệt giới tính. Ngày càng có nhiều phụ nữ chọn mặc vest - thường được coi là trang phục nam - trong khi nam giới lại mua các sản phẩm làm đẹp và mỹ phẩm.
Tuy nhiên, trong bối cảnh một số bộ phận xã hội Trung Quốc còn bảo thủ, điều này lại dấy lên lo ngại. Cơ quan giáo dục hàng đầu của Trung Quốc đã đề xuất đưa thêm nhiều lớp thể dục vào chương trình giảng dạy để xây dựng sự nam tính cho nam sinh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo điều này sẽ chỉ càng củng cố định kiến và khuyến khích bắt nạt.
“Bị bắt nạt vì khác biệt không phải là lỗi của cá nhân đó. Điều chúng ta nên làm là can thiệp khi xảy ra bắt nạt và quan tâm chăm sóc, thay vì ngăn cấm sự khác biệt”, Se-A nói.
Trong khi đó, Tang quyết tâm nuôi dạy con trai mình hiểu được sự đa dạng của thế giới xung quanh. Anh có kế hoạch dạy Lele trở nên đồng cảm hơn với người khác và ủng hộ con mặc bất cứ thứ gì cậu bé muốn. Tang nói: “Tôi chỉ hy vọng chúng ta có thể cởi mở hơn với con cái của mình, bất kể đó có liên quan đến vấn đề giới tính hay không”.
Đối với anh ấy, Lele đã là “một chiến binh”.