Theo T.S Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong dịp tết, mọi nhà đều có sẵn các món ăn như: giò nạc, giò mỡ, thịt đông, thịt gà vịt, cá, các loại hải sản, bánh chưng, bánh tét…vì vậy hễ có khách đến chơi lại bưng mâm cỗ ra mời bất kể giờ giấc. Tuy nhiên, mọi người nên thận trọng với những mâm cỗ nguội, không nên ăn những thức ăn đã nấu chín trên 4 giờ đồng hồ vì lúc này thức ăn đã bị nhiễm khuẩn.
|
Mâm cỗ ngày Tết của mọi nhà thường có rất nhiều món chế biến sẵn. Ảnh minh họa
|
Tốt nhất là ăn ngay thức ăn vừa nấu chín vì thức ăn dù đun sôi ở nhiệt độ cao đến đâu cũng sẽ nguội dần bằng nhiệt độ trong phòng và vi khuẩn ở quanh phòng bắt đầu xâm nhập vào thức ăn, dễ gây ngộ độc. Thông thường, thức ăn vừa nấu chín chỉ có thể giữ được không quá 3-4 giờ đồng hồ ở nhiệt độ 60 độ C nếu thức ăn cần ăn nóng và 10 độ C với thức ăn nguội.
Khi chế biến, cũng nên lưu ý nấu chín kỹ thức ăn vì nhiều loại thực phẩm sống như cá, thịt gia cầm, kể cả sữa tươi, sữa chua đóng chai khi chưa nấu chín thường có nhiều vi sinh vật và có thể gây bệnh. Nấu nướng đảm bảo chín ở nhiệt độ không thấp hơn 100 độ C sẽ huỷ diệt nguồn gây bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý phải chín được cả phần bên trong của thực phẩm, nhất là chỗ gần xương.
Với các loại thịt cá gia cầm đông lạnh phải làm rã đông trước khi sơ chế và nấu nướng.
|
Thịt đông lạnh cần phải được giã đông trước khi chế biến. Ảnh minh họa
|
Với những loại thức ăn không ăn hết được cất vào tủ lạnh, khi lấy ra ăn buộc phải đun sôi lại nếu không sẽ rất dễ bị ngộ độc vì thức ăn chín trong tủ lạnh cùng thức ăn sống cũng dễ bị nhiễm vi khuẩn dù chỉ chạm nhẹ vào thức ăn sống. Quá trình đun này không được để ít hơn thời gian từ 5-10 phút. Tương tự, việc sử dụng dao thớt thái thịt sống và thịt chín lẫn lộn cũng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh lên những thức ăn đã nấu chín.
Cũng không nên để thức ăn nóng vào tủ lạnh vì phần trong của thức ăn sẽ không lạnh vẫn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển. Đối với những thức ăn chưa dùng hết, nếu muốn để sang bữa sau, cách tốt nhất là phải đun sôi lại ngay sau khi kết thúc bữa trước.
Riêng với trẻ em, các bậc cha mẹ càng phải thận trọng hơn với những bữa ăn của trẻ trong ngày tết. Nếu tính theo mùa thì thời điểm tết Nguyên đán là thời điểm dễ khiến trẻ bị tiêu chảy, cộng thêm ăn uống thất thường, không đúng bữa hoặc ăn uống thức ăn nguội lạnh dễ khiến trẻ bị tiêu chảy. Trong trường hợp này, cần phải cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ bị đi ngoài từ 4 lần/ngày trở lên thì cần phải đưa trẻ đến viện để điều trị.
Nhiều người quan niệm
mâm cỗ ngày tết phải có nhiều món ăn, nhiều thịt và ít rau, nhưng điều đó dẫn tới mất cân đối khẩu phần ăn.
|
Rau xanh là món không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Ảnh minh họa
|
Chế độ ăn nhiều thịt ít rau còn rất nguy hại đối với người bị bệnh gout, cao huyết áp, thừa cân và béo phì. Người thừa cân béo phì không nên ăn quá nhiều thịt đỏ, ưu tiên ăn cá, thịt gia cầm. Nên ăn thịt vừa phải (không quá 100g/ngày/người trưởng thành), khuyến khích ăn cá và đậu phụ.
Với những người thừa cân và béo phì, cần thường xuyên kiểm soát nghiêm ngặt cân nặng, đặc biệt trước, trong và sau những ngày Tết. Bởi thông thường, sau những ngày Tết, nhiều người lại tăng cân và một số bệnh lại có cơ hội tái phát nhiều hơn.
Trong mâm cỗ ngày Tết, các gia đình cần hết sức coi trọng vai trò của rau quả trong chế độ ăn hàng ngày, nhất là với những người thừa cân và béo phì, nên sử dụng đủ rau, quả hàng ngày với lượng trên 400 g/ngày.