Đầu tháng 4, chị N.L.A (31 tuổi, trú tại Hà Nội) đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám vì dấu hiệu rối loạn tiêu hóa kéo dài, sụt cân không rõ lý do. Bác sĩ nội soi đại tràng cho chị L.A đã chẩn đoán chị bị ung thư đại tràng. Đặc biệt, tế bào ung thư đã di căn gan.
Bệnh nhân chia sẻ chị bị rối loạn tiêu hóa từ vài tháng trước. Tuy nhiên, chị nghĩ rằng mình còn trẻ chỉ bị viêm đại tràng, ruột kích thích nên không đi khám. Chị thường mua thuốc viêm đại tràng về uống. Mỗi ngày, chị L.A đi vệ sinh vài lần nhưng trong tâm trí của người phụ nữ trẻ này, bệnh ung thư không thể chạm tới mình.
PGS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Khoa Phẫu thuật tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, ông cảm thấy tiếc cho bệnh nhân vì cơ hội điều trị thấp. Chị A. được phẫu thuật cắt u, nạo vét hạch.
Thời gian gần đây, bác sĩ Tuấn gặp nhiều bệnh nhân bị ung thư đại tràng vào viện với khối u to, tắc ruột. Các bệnh nhân này đều có điểm chung là có dấu hiệu từ sớm nhưng chủ quan nghĩ bị rối loạn tiêu hóa thông thường.
|
Nhiều dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng dễ bị nhầm lẫn. Ảnh minh họa: BV |
Bốn bệnh lý có dấu hiệu giống với ung thư đại tràng:
Thứ nhất, rối loạn tiêu hóa: Đây là nhầm lẫn phổ biến của nhiều người. Trong cuộc đời, mọi người sẽ bị bệnh này vài lần nhưng không ai nghĩ rằng đó là dấu hiệu cảnh báo ung thư đại tràng. Khi bị đầy bụng, chán ăn, khó tiêu, đau bụng trên vùng rốn, ăn không ngon, đi ngoài nhiều lần trong ngày, bạn nên đi kiểm tra tầm soát ung thư đại tràng. Bởi vì đây là tình trạng thường thấy ở người bệnh ung thư đại tràng. Dấu hiệu này kéo dài khiến cơ thể mệt mỏi, sụt cân.
Thứ hai, viêm đại tràng: Bệnh lý này hay bị nhầm với ung thư đại tràng. PGS Tuấn cho biết bệnh nhân có cảm giác rối loạn đại tiện kéo dài có thể tiêu chảy hoặc táo bón. Mỗi lần đại tiện, cảm giác phân chưa hết. Một số trường hợp có thể đau bụng âm ỉ, phân lỏng không thành khuôn, đôi khi đi cầu ra máu hoặc đờm nhớt. Người bệnh có cảm giác nóng rát hậu môn sau mỗi lần đi cầu. Tuy nhiên, các triệu chứng này cũng là điển hình của ung thư đại tràng.
Thứ ba, hội chứng đại tràng kích thích: Khi ăn thấy bụng râm ran, nhiều người cho rằng mình bị bệnh này. Họ chỉ mua thuốc uống, không đi kiểm tra. Tới khi các biến chứng ung thư đại tràng xuất hiện, bệnh đã chuyển giai đoạn muộn.
Thứ tư, bệnh trĩ: PGS Tuấn chia sẻ nhiều người đại tiện ra máu lại nhầm với bệnh trĩ. Bệnh trĩ có các dấu hiệu táo bón thường xuyên, đi ngoài ra máu. Tuy nhiên, ung thư đại tràng thường tiết dịch nhầy, phân lỏng và nhỏ khi đi đại tiện. Ngoài ra, bệnh nhân ung thư dễ bị sụt cân nhanh chóng.
Từ các nhầm lẫn trên, bác sĩ Tuấn cho biết, nhiều người đã bỏ qua dấu hiệu của ung thư. Bệnh nhân loay hoay điều trị trĩ, viêm đại tràng dẫn tới giai đoạn muộn mới đến bệnh viện. Khi đó, việc điều trị sẽ khó, tốn kém và hiệu quả thấp hơn.
Theo PGS Tuấn, ung thư đại tràng là bệnh ung thư đường tiêu hóa có tiên lượng tốt nhất. Người bệnh phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm thì có thể sống khỏe trên 5 năm.
Nếu điều trị không kịp thời, bệnh nhân đối mặt với các nguy cơ như chảy máu ồ ạt do biến chứng của khối u. Bệnh nhân có thể bị tắc ruột do u quá to, bít tắc lòng đại tràng. Bệnh nhân đến viện ở giai đoạn tắc ruột khá phổ biến, chiếm tới 25%.
Biến chứng khác của ung thư đại tràng là vỡ khối u gây viêm phúc mạc, người bệnh có thể tử vong nhanh chóng.
Bác sĩ Tuấn khuyến cáo, người bình thường cần tầm soát ung thư đại tràng khi 45 tuổi trở lên. Những người có bệnh viêm đại tràng, polyp ống tiêu hóa, người thân bị ung thư đại tràng có thể sàng lọc bệnh hằng năm. Nếu bạn thấy các triệu chứng sụt cân không rõ lý do, táo bón, đầy bụng, đi tiểu và đại tiện ra máu nên đi khám ngay để tầm soát, phát hiện và điều trị kịp thời.