|
Da bệnh nhân lốm đốm chỗ trắng chỗ đen sau khi bôi kem trộn làm trắng. Ảnh: Dân trí |
Ngày 7/10, ThS. BS Lê Thị Mai, khoa Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tế bào gốc, Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) cho biết mới đây bệnh viện này đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân đến khám trong tình trạng da mặt tăng giảm sắc tố sau 6 tháng sử dụng kem trộn.
Bệnh nhân chia sẻ, do tự ti với khuôn mặt bị nám lốm đốm trên mặt, nghe theo lời quảng cáo chị đã tìm đến một cơ sở làm đẹp. Cơ sở này cam kết sẽ biến “da cóc” thành “bạch tuyết” chỉ sau 1 tháng sử dụng liệu trình chăm sóc với mức chi phí “rất bèo”.
Thời gian đầu sau khi bôi loại kem trộn cơ sở bán, làn da của chị trắng và mịn rất nhanh, điều này khiến chị cực kỳ hài lòng. Tuy nhiên chỉ sau 3 tháng, da của chị dần mỏng, các mạch máu nổi rõ trên khuôn mặt. Đặc biệt, da chị rất dễ bị kích ứng, đỏ, sưng và ngứa.
Quá lo sợ, chị quyết định ngừng bôi kem do cơ sở spa bán. Do cảm thấy ngứa ngáy không chịu nổi, nổi mẩn nhiều hơn, da sạm đen đi nên chị đã quyết định đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) khám.
Qua thăm khám, bác sĩ Mai nhận thấy, trên cùng khuôn mặt, làn da của bệnh nhân như cái bánh đa vừng đen, chỗ trắng, chỗ sạm đi. Bệnh nhân được chỉ định dùng kem chống nắng 3 giờ/lần, bôi các sản phẩm chống viêm không chứa corticoid, kem giữ ẩm, kháng histamin đường toàn thân nhằm hạn chế các phản ứng viêm gây tiếp tục tăng sắc tố.
Đồng thời, bệnh nhân cũng được sử dụng các liệu trình điều trị tại chỗ không xâm lấn để khắc phục tình trạng tăng sắc tố và mẩn ngứa.
Trao đổi với PV, BS Mai cho hay, Bệnh viện Da liễu Trung ương đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng do sử dụng mỹ phẩm làm trắng da không rõ nguồn gốc.
Việc khắc phục tình trạng tăng sắc tố do sử dụng kem trộn sẽ mất thời gian dài, trung bình từ 6 tháng đến 1 năm. Thậm chí với những trường hợp mất sắc tố thì việc chữa trị là không thể.
Theo BS Mai, các chất làm trắng da hoạt động bằng cách giảm sự hiện diện của sắc tố melanin trên da. Các sản phẩm sử dụng làm trắng da thường chứa nồng độ khác nhau của hydroquinone, corticosteroid, thủy ngân và các tác nhân khác, chẳng hạn như axit salicylic, hypochlorite.
Những hợp chất này gây tổn thương da nếu sử dụng không đúng. Cụ thể chất hydroquinone có thể gây tăng sắc tố, teo da, giãn mạch, mụn trứng cá nặng, mất độ đàn hồi của da, BS Mai cho biết.
Không những thế corticosteroid được hấp thụ nhanh chóng, lạm dụng có thể dẫn đến nhiễm nấm da, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc vô sinh Việc sử dụng thủy ngân trong làm trắng da gây ra các vấn đề về thận, gan, thần kinh…
Qua trường hợp bệnh nhân trên, BS Mai khuyến cáo để có được làn da khỏe đẹp, chị em nên đến các cơ sở chăm sóc da uy tín để được tư vấn và chăm sóc da đúng để cải thiện và giữ gìn làn da đẹp.