Bôi kem trắng da, người phụ nữ mê sảng do ngộ độc thủy ngân

Google News

Mới đây một người phụ nữ 47 tuổi tại Mỹ đã bị ngộ độc thủy ngân do dùng kem trắng da suốt 7 năm liền.

Mê sảng, mắt mờ do bôi kem trắng da suốt 7 năm
Thông tin từ báo Dân trí, mới đây một phụ nữ người Mỹ gốc Mexico 47 tuổi ở Sacramento, California đã đến khám bác sĩ vì bị đau và cảm thấy yếu. Hai tuần sau, tình trạng của bệnh nhân chỉ trở nên tồi tệ hơn và người bệnh cũng bắt đầu bị nhìn mờ và khó giữ thăng bằng khi đi bộ.
Trước đó, bệnh nhân đã phải nhập viện nhưng mãi đến khi bệnh nhân bắt đầu mê sảng, họ mới thực hiện xét nghiệm nước tiểu và máu và tìm thấy nồng độ methylmercury "cao bất thường". Theo các bác sĩ, đây một dạng thủy ngân hữu cơ có trong cá và động vật có vỏ, trong máu của người bệnh.
Sau khi gọi khoa chống độc, các bác sĩ đã phải đặt ống dạ dày và cho người phụ nữ dùng thuốc để điều trị. Theo người nhà bệnh nhân, bệnh nhân có tiền sử sử dụng các loại kem làm trắng da mua từ Mexico. Bà ấy đã thoa kem lên mặt hai lần mỗi ngày trong bảy năm qua, theo báo cáo. Loại kem mà bệnh nhân sử dụng gần đây nhất đã được kiểm nghiệm và tìm thấy có chứa thủy ngân.
Hiện tại, mặc dù đang được tiếp tục điều trị chống độc, người bệnh "vẫn không thể tự nói hoặc tự chăm sóc bản thân, phải cho ăn bằng ống liên tục để hỗ trợ dinh dưỡng.
Có thể ngộ độc thủy ngân từ kem trắng da
Các bác sĩ cho biết, trong khi ngộ độc từ thủy ngân vô cơ trong các sản phẩm da là khá phổ biến, thì ngộ độc từ dạng thủy ngân hữu cơ, methylmercury, ít phổ biến nhưng độc hại hơn nhiều. Trên thực tế, đây là trường hợp ngộ độc methylmercury được biết đến đầu tiên từ kem làm trắng da.
Trường hợp của người phụ nữ nhấn mạnh, mức độ nguy hiểm của một số sản phẩm chăm sóc da hàng đầu vì một số thành phần có thể xâm nhập vào cơ thể qua da, thay vì chỉ lưu lại trên đó.
Theo các chuyên gia, thủy ngân là một trong những chất mà da hấp thụ. Vấn đề với các hợp chất thủy ngân hữu cơ [như methylmercury] là chúng đi thẳng vào não. Kết quả là, người bị ngộ độc có thể mất kiểm soát các chức năng vận động và không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày như đi lại, ăn uống và nói chuyện.
Liên quan tới vấn đề trên, trước đó FDA đã cấm tất cả các loại thuốc và mỹ phẩm có chứa thủy ngân, nhưng các sản phẩm này vẫn đang được bán bất hợp pháp trên mạng và ở các quốc gia khác, nơi việc quản lý lỏng lẻo hơn.
Theo FDA, các sản phẩm da có chứa thủy ngân thường hứa hẹn các lợi ích làm trắng da hoặc chống lão hóa, hoặc quảng cáo là loại bỏ tàn nhang hoặc vết thâm nám.
Khi da tiếp xúc với methylmercury có thể ảnh hưởng đến hệ thống trung tâm và ngoại vi, với các triệu chứng bao gồm run, mất trí nhớ và rối loạn chức năng nhận thức và vận động.
Còn Tổ chức Y tế thế giới WHO đã báo cáo vào năm 2017 rằng, thủy ngân đã được sử dụng trong các sản phẩm làm trắng da vì khả năng ức chế melanin, dẫn đến tăng sắc tố mờ, sẹo mụn và làm đều màu da.
Tổ chức tuyên bố vào năm 2016 rằng các sản phẩm có chứa thủy ngân cũng được bán dưới dạng kem chống nhăn và cảnh báo rằng tiếp xúc với mỹ phẩm có thể gây ra tình trạng hít phải hơi thủy ngân và nhiễm độc thủy ngân khi tiếp xúc với da. Cơ quan này cũng cảnh báo chống lại các sản phẩm chăm sóc da được sản xuất ở nước ngoài sau đó được bán, thường là bất hợp pháp, ở những nơi phục vụ cho cộng đồng Latino, châu Á, châu Phi và Trung Đông.
Làm thế nào để phát hiện và tránh dùng sản phẩm kém chất lượng?
Theo FDA, người tiêu dùng nên kiểm tra ngay nhãn mác các sản phẩm chăm sóc da mình đang sử dụng. Nếu phát hiện sản phẩm nào có chứa một trong các thành phần sau phải ngưng sử dụng ngay lập tức và báo cho cơ quan chức năng:
- Mercurous chloride.
- Calomel.
- Mercuric.
- Mercurio.
- Mercury.
- Hg.
- Mercuric iodide.
- Mercurous chloride.
- Ammoniated mercury.
- Amide chloride of mercury.
- Quicksilver.
- Cinnabaris (mercury sulfide).
- Hydrargyri oxydum rubrum (mercury oxide).
- Mercury iodide hoặc “poison”.
Không phải sản phẩm mỹ phẩm nào cũng công khai thành phần để người tiêu dùng có thể nắm rõ trước khi mua nên người tiêu dùng cần “dắt túi” lưu ý trước khi mua. Do đó, FDA khuyến cáo, khi mua bất cứ sản phẩm mỹ phẩm nào nếu có những dấu hiệu sau thì không được mua:
Chất lượng sản phẩm: Màu sắc, mùi, dạng sản phẩm… lạ hơn hoặc không giống mùi sản phẩm chính hãng.
Bao bì: Thiết kế bao bì không rõ nét, nhạt nhòe, hạn sử dụng không rõ. Thông thường, mác nhãn sản phẩm, màu sắc, chữ viết sẽ không rõ, không đậm nét.
Check mã vạch, nguồn gốc, xuất xứ không có, địa chỉ công ty sản xuất không rõ ràng, cơ quan nhập khẩu không có. Không có tem chống hàng giả của bộ công an.
Theo An Dương/ VietQ

>> xem thêm

Bình luận(0)