Y đức xuống cấp, đạo đức suy đồi khiến nạn bạo hành tại bệnh viện ra tăng
Tình trạng bạo hành và mất an ninh nơi làm việc có thể xảy ra ở tất cả các ngành nghề tuy nhiên với ngành Y tế thì tỷ lệ này tương đối cao. Thống kê cho thấy tình trạng bạo hành với ngành y chiếm tới 25% tổng số các vụ bạo hành nơi làm việc. Nghiên cứu tại các quốc gia khác cũng cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế bị bạo hành so với bình quân của các ngành khác là rất cao. Tại Mỹ tỷ lệ này gấp 16 lần, tại Anh gấp 3 - 4 lần, tại Thụy Điển gấp 5 - 6 lần.
Ở nước ta tỷ lệ này cũng ở mức rất cao khi liên tiếp có những vụ hành hung nhân viên y tế xảy ra trong thời gian gần đây. Chỉ từ tháng 4 – tháng nửa đầu 5/2017 trong khoảng thời gian 30 ngày gần đây xảy ra tới 5 vụ côn đồ đại náo, hành hung bác sĩ, hành hung bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
Trước tình trạng nhiều bác sĩ, bệnh nhân bị đe dọa an toàn tính mạng, bị xâm hại ngày một ra tăng ngay tại nơi để cứu người là bệnh viện, trả lời phỏng vấn của Kiến Thức, ông Vương Ánh Dương, Trưởng phòng quản lý chất lượng bệnh viện, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế thẳng thắn chỉ ra nhiều nguyên nhân phía sau.
|
Bác sĩ nhân viên y tế bị hành hung tại bệnh viện. Ảnh: Giadinh |
Ông Vương Ánh Dương cho biết: "Có rất nhiều nguyên nhân khiến tình trạng mất an ninh bệnh viện, hành hung nhân viên y tế ra tăng và ngày càng đáng báo động.
Nguyên nhân đầu tiên mà ai cũng nhìn thấy được chính là việc những đối tượng gây mất an ninh bệnh viện như những đối tượng trộm cắp, côn đồ, người nhà bệnh nhân quá khích, quá kích động có thể ra vào bệnh viện một cách quá dễ dàng mà không thể kiểm soát được. Những đối tượng này là người trực tiếp đe dọa tới an ninh bệnh viện, tới y bác sĩ, bệnh nhân tại bệnh viện".
Cũng theo ông Dương bệnh viện là môi trường vô cùng nhạy cảm và đặc thù. Thực tế hiện này tại nhiều bệnh viện nước ta cơ sở hạ tầng vẫn chưa đủ để phục vụ khám chữa bệnh, tình trạng thiếu nhân viên y tế, quá tải bệnh nhân và đôi khi những sự cố y khoa xảy ra cũng trở thành nhân tố khiến các vụ bạo hành, hành hung, đâm chém người gây mất an ninh bệnh viện xảy ra nhiều hơn.
Một phần khác là trình độ nhân thức của người dân còn chưa cao, sự manh động và xuống cấp về đạo đứa của một số đối tượng ngày một ra tăng. Nhiều đối tượng khác muốn lợi dụng những sự cố y khoa không mong muốn để thực hiện các hành vi phạm pháp, trục lợi nên dẫn tới hàng loạt những vụ việc như kéo cả trăm người quây bệnh viện, hành hung đâm chém bác sĩ như thời gian vừa qua.
Nhiều nguyên nhân khác lại đến từ chính sự thiếu chuyên nghiệp của các cán bộ nhân viên Y tế. Hiện nay, kỹ năng nắm bắt tâm lý, thái độ ứng xử của một bộ phận cán bộ nhân viên y tế chưa thực sự tốt. Y đức của một bộ phận nhân viên ngành y xuống cấp khiến bệnh nhân và người nhà bức xúc và dẫn tới những hành vi khó kiểm soát hơn.
Một sự thực nữa đó là hiện nay công tác bảo vệ, bảo an, an ninh tại nhiều bệnh viện còn chưa đủ tốt. Các nhân viên bảo vệ không đủ năng lực, chưa đủ tính chuyên nghiệp và đặc biệt là thẩm quyền để bảo vệ bệnh nhân, nhân viên y tế và cao hơn là bắt giữ những đối tượng côn đồ, hành hung y bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân tại bệnh viện.
Ngoài ra, cũng do sự thiếu quan tâm, sát sao của chính quyền địa phương nên bệnh viện phải tự chống đỡ bảo vệ mình khi trong tay không có một tấc sắt.
Đề nghị truy cứu hình sự
Trước câu hỏi khi nào các bác sĩ, nhân viên y tế và bệnh nhân sẽ được bảo vệ trước tình trạng bị xâm phạm, hành hung và đe dọa tính mạng khi đang khám chữa bệnh ngày một ra tăng như hiện nay ông Dương bất mí: " Việc bảo vệ danh dự và tính mạng người thầy thuốc đã được đưa vào Luật Khám chữa bệnh. Hiện tại, Bộ Y tế sẽ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi văn bản của Luật Khám chữa bệnh và bổ sung các luật khác để có một cơ sở pháp lý vững chắc bảo vệ các y bác sĩ, nhân viên y tế bị hành hung khi đang chữa bệnh cứu người.
Đặc biệt, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã có công văn gửi đến Bộ Công an để tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự bệnh viện.
Theo đó Bộ trưởng Tiến và Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, điều tra xác minh làm rõ các hành vi và đối tượng gây bạo hành trong bệnh viện đối với các vụ việc nêu trên, truy cứu trách nhiệm hình sự (nếu có phạm tội), xử lý nghiêm minh các đối tượng hành hung người bệnh và nhân viên y tế, công khai kết luận điều tra, xét xử để công luận, người dân biết, cảnh báo, răn đe, phòng ngừa.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn ngành Công an cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông; tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện.
Hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn trang bị các thiết bị kỹ thuật bảo đảm an ninh, bảo vệ tại bệnh viện; phối hợp tập huấn, nâng cao trình độ bảo vệ, phản ứng nhanh với các tình huống gây rối, đánh nhau, hành hung tại các bệnh viện và cơ sở y tế. Xây dựng và thử nghiệm, triển khai mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ về an ninh trật tự tại các bệnh viện.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đề xuất thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.