Bố mẹ tôi ở quê, làm nông nghiệp, quanh năm chân lấm tay bùn nhưng ông bà có tư tưởng hiện đại và nếp sống văn minh. Ba cô con gái được đầu tư cho ăn học đến nơi đến chốn. Sau này, chị em tôi đều trụ lại ở Hà Nội, công việc ổn định, thu nhập khá.
Nhiều gia đình trong làng luôn khen ngợi bố mẹ tôi hết lời về cách dạy dỗ con cái. Bản thân bố tôi cũng chưa bao giờ muộn phiền về việc không có mụn con trai nối dõi. Ông cho rằng, ba cô con gái chính là lộc trời cho.
|
Bố tôi quyết đón con gái về sau lần đến nhà thông gia chúc Tết. |
Sau khi chị cả, chị hai nhà tôi yên bề gia thất, tôi mới lấy chồng. Năm đó, tôi 26 tuổi. Nhà chồng tôi quê gốc Hà Nội, thuộc diện khá giả, kinh doanh nội thất trên phố lớn.
Chồng tôi học đại học bên nước ngoài nhưng tốt nghiệp xong, anh quay về phụ giúp cho công ty gia đình. Chúng tôi gặp nhau trong bữa tiệc tất niên cuối năm rồi nên duyên.
Ngày về ra mắt bố mẹ anh, tôi bị nhận ‘gáo nước lạnh’ khi họ thẳng thừng ngăn cản. Vì bố mẹ anh đã chấm cho con trai cô gái khác, có hoàn cảnh gia đình hơn tôi.
Tính tôi tự ái cao, rơi vào tình huống như vậy, tôi lập tức xin phép ra về, tránh làm người yêu khó xử. Những tưởng, hai đứa không đến được với nhau nhưng sau thời gian thuyết phục, bố mẹ anh cũng đồng ý.
Có lẽ vì bố mẹ chồng ác cảm ngay từ đầu nên khi về làm dâu, tôi gặp khá nhiều khó khăn. Họ chỉ bằng mặt mà không bằng lòng.
Tôi thương chồng, cố gắng nhẫn nhịn, giữ yên ấm cửa nhà. Những lúc bị mẹ chồng đối xử tệ bạc, tôi nuốt nước mắt vào trong.
Từ ngày kết hôn, tôi bỏ công việc lương cao, chấp nhận làm nhân viên văn phòng với mức lương 5 triệu đồng, đổi lại, tôi có nhiều thời gian chăm sóc gia đình.
Cuộc sống ở nhà chồng áp lực, mặc dù bố mẹ chồng giàu có nhưng tôi không hề thấy sung sướng. Tôi thích mua sắm, ăn uống gì đều tự bỏ tiền túi ra. Mọi việc cơm nước, dọn dẹp cửa hàng nội thất, đều đến tay tôi. Ở nhà, tôi chỉ khác người giúp việc một điểm là có danh phận con dâu.
Con dâu làm gì không đúng ý, mẹ chồng tôi chẳng tiếc lời rủa xả, còn bác giúp việc nhỡ tay làm hỏng việc gì, mẹ chồng tôi không mắng nhiếc ghê gớm như vậy. Tôi không so đo thiệt hơn chuyện lao động chân tay mà chỉ cảm thấy tủi thân.
Có lẽ vì căng thẳng, tâm lý bất ổn nên kết hôn vài năm, tôi vẫn chưa thấy có tin vui. Hai vợ chồng đi bệnh viện thăm khám, kết quả bình thường. Thứ duy nhất níu giữ tôi ở lại căn nhà đó là chồng. Anh hơi nhu nhược, lép vế trước bố mẹ nhưng đối xử với vợ rất tốt.
Hàng tháng, nhận lương, anh chỉ giữ 5 triệu chi tiêu, còn đâu đưa tôi hết. Anh nói, hai vợ chồng để dành, ít nữa mua căn hộ chung cư nhỏ, dọn ra ngoài sống cho thoải mái. Lúc đó, tôi không còn phải chịu cảnh tủi hờn, cực khổ nữa.
Kế hoạch ra riêng của hai vợ chồng chưa thành thì cuộc hôn nhân của chúng tôi gặp trục trặc. Nguyên nhân cũng xuất phát từ mẹ chồng tôi.
Mùng 1 Tết năm ngoái, bố mẹ tôi ở quê ra Hà Nội chơi, chúc Tết thông gia. Đến cổng biệt thự nhà chồng tôi, ông bà uất nghẹn, chứng kiến con gái bị mẹ chồng mạt sát không thương tiếc vì chưa kịp bày mâm cúng lên ban thờ. Hằn học chưa đủ, mẹ chồng ôm đống quần áo của tôi vứt từ tầng 2 xuống sân.
Bao năm qua, sướng khổ ra sao, tôi giấu bố mẹ, chưa lần nào tôi tâm sự, than phiền về hoàn cảnh của mình tại nhà chồng. Bố mẹ tôi vẫn nghĩ con gái được gả vào nhà đại gia, hưởng cuộc đời hạnh phúc. Nào ngờ, tôi phải chịu cảnh đày đọa đến thế.
Chẳng nói nhiều, bố tôi vào tuyên bố với thông gia, đón con gái về. ‘Cuộc sống nghèo túng một chút cũng được con ạ, còn hơn làm kẻ ở đợ cho những kẻ tàn nhẫn này. Về với bố mẹ thôi con’, bố tôi bật khóc nói.
Mẹ chồng tôi không xấu hổ, phản ứng: ‘Ông bà rước về cho tôi nhẹ nợ. Con trai tôi lấy đâu chẳng được vợ. Con gái ông bà đã vụng về còn không biết đẻ’.
Bố đẻ tôi và mẹ chồng đấu khẩu một hồi, sau đó ông đưa tôi rời khỏi đó. Tình cảm giữa chồng và tôi vẫn tốt đẹp nhưng mâu thuẫn giữa hai bên nên chúng tôi chưa thể hàn gắn. Gần một năm qua, tôi và chồng dùng dằng, chưa bên nào gửi đơn ra tòa mà chọn giải pháp ly thân.
Lần nào gọi điện, tôi và anh đều rơi nước mắt. Giờ tôi thật sự bế tắc. Xin hãy cho tôi lời khuyên!