Thịt lợn là thực phẩm phổ biến, thường xuyên xuất hiện trong bữa ăn của các gia đình. Có nhiều phần thịt lợn khác nhau và mỗi người lại có sở thích ăn khác nhau, có người thích thịt ba chỉ, người thích thịt thăn, người lại thích thịt chân giò...
Đặc biệt, mỗi con lợn có một “phần thịt” cực kỳ bổ dưỡng, không phải ai cũng có thể mua được, đó chính là tim lợn.
Tim lợn có kích cỡ khác nhau, tùy thuộc vào kích cỡ của con lợn. Tim lợn có hương vị đặc trưng, phần cuống sần sật, phần thịt nạc nhưng giòn, không bở, không dai. Đặc biệt, quả tim lợn xưa nay được xếp vào nhóm thực phẩm có khả năng bồi bổ cơ thể rất tốt.
Theo nghiên cứu, tim lợn rất giàu folate, sắt, kẽm và selen. Nó cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin B2, B6 và B12, cả ba đều nằm trong nhóm được gọi là vitamin B-complex. Các vitamin B được tìm thấy trong thịt nội tạng có tác dụng bảo vệ tim mạch, có nghĩa là chúng giúp phòng ngừa bệnh tim.
Vitamin B cũng có liên quan đến việc duy trì huyết áp khỏe mạnh, giảm lượng cholesterol cao và hình thành các mạch máu khỏe mạnh. Chúng cũng có lợi cho não và đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer, chứng mất trí, trầm cảm và lo lắng.
Lợi ích của một số loại vitamin B có trong tim lợn cụ thể như:
- Vitamin B12: Góp phần cải thiện sức khỏe tinh thần, củng cố chức năng hệ thống miễn dịch, phân chia tế bào khỏe mạnh và giảm mệt mỏi.
- Riboflavin (B2): Góp phần tạo ra năng lượng, bổ máu, duy trì thị lực bình thường, bảo vệ tế bào và giảm mệt mỏi.
- Axit pantothenic (B5): Góp phần vào hiệu quả hoạt động trí óc của bạn, tạo ra năng lượng và giảm mệt mỏi.
- Niacin (B3): Đây là một trong những loại vitamin cần thiết cho cơ thể con người, giúp thúc đẩy quá trình dị hóa chất béo trong cơ thể, giãn nở mạch máu, tăng cường chức năng hô hấp. Nếu cơ thể con người thiếu niacin sẽ xảy ra các triệu chứng như viêm da, viêm lưỡi, mất ngủ. Niacin cũng góp phần tạo ra năng lượng, sức khỏe tinh thần, củng cố chức năng hệ thần kinh và có thể đóng một vai trò trong việc ngăn ngừa ung thư.
- Thiamin (B1): Củng cố chức năng tim, tạo năng lượng và duy trì trạng thái tinh thần tốt.
Ngoài ra, tim còn là một nguồn coenzyme Q10 (CoQ10) tuyệt vời. CoQ10 là một chất chống oxy hóa, có thể giúp điều trị và ngăn ngừa một số bệnh, đặc biệt là bệnh tim. CoQ10 đã được chứng minh là làm chậm quá trình lão hóa và cải thiện mức năng lượng.
Còn theo Đông y, tim lợn có vị ngọt mặn, tính bình, vào kinh tâm, có tác dụng bổ dưỡng cho những người có chứng bệnh mất ngủ, tim đập hồi hộp thất thường do tâm khí hư sinh ra. Do đó nếu phối hợp với các vị thuốc Đông dược càng tốt. Dưới đây là một số món ăn bổ dưỡng từ tim lợn:
- Món ăn bài thuốc dưỡng tâm, an thần, bổ tim
Tim lợn thường nấu kết hợp với nhân hạt táo ta 9-15 gam.
Cách thực hiện: Tim lợn 1 quả bổ ra cho nhân hạt táo ta vào, buộc bằng sợi bông đem hấp hoặc nấu chín để ăn. Khi đó tim lợn đã hấp thu đầy đủ nước thuốc. Có thể thay nhân hạt táo ta bằng bách tử nhân 9-15g.
Hoặc có thể dùng: Đương quy 30 gam, tim lợn 1 quả, làm như trên, chỉ có cho đương quy vào trong tim lợn rồi buộc lại, đem hấp hoặc luộc. Khi chín, bỏ bã thuốc, còn ăn cả nước lẫn cái.
Đương quy ích tâm, bổ khí huyết. Qua nghiên cứu dược lý hiện đại đã chứng minh đương quy có tác dụng trấn tĩnh, an thần, định chí phối hợp với tim lợn để bổ tim thì hiệu quả điều trị càng tốt.
Luộc và hấp là cách thường được dùng nhất. Sau khi rửa sạch, cho tim lợn vào nồi luộc, cho chút rượu vào, khi sôi nổi bọt, vớt bỏ bọt đi, đun nhỏ lửa cho chín, để nguội thái miếng, ăn cả nước lẫn cái như một món ăn bổ dưỡng hàng ngày; hoặc hấp chín chia ăn trong ngày.
- Món ăn, bài thuốc cho người suy tim, mồ hôi nhiều, rối loạn giấc ngủ
Tim lợn 1 quả, rửa sạch rồi bổ ra; thêm nhân sâm, đương quy - mỗi vị 10g; cho vào trong tim lợn, hấp chín ăn.
- Món ăn, bài thuốc cho người thấp tim
Tim lợn 1 quả, hồng táo (táo tầu) 10 quả; cùng nấu chín, ăn cả cái lẫn nước; mỗi ngày ăn 1 lần, mỗi liệu trình 7-10 ngày.
Lưu ý khi ăn tim lợn
Mặc dù tim lợn có lợi cho tim và da nhưng nội tạng động vật là loại thực phẩm chúng ta không nên ăn liên tục. Nó có chứa nhiều cholesterol, không thích hợp với những người cao huyết áp, mỡ máu cao.
Ngoài ra, nhiều loại hormone được bổ sung trong quá trình nuôi dưỡng gia súc hiện nay có thể tồn đọng trong nội tạng động vật. Vì vậy, để tốt cho sức khỏe, bạn chỉ nên ăn nội tạng động vật 1-2 lần/tuần, không nên ăn quá nhiều.