Không rửa bát ngay
Sau khi kết thúc bữa ăn, nhiều người muốn nghỉ ngơi bằng cách uống nước, xem ti vi nên không rửa bát ngay mà ngâm bát đũa trong thời gian dài hay để dồn lại nhiều lần mới rửa mà không biết thói quen này cực kỳ không tốt vì vô tình tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
Ngâm bát đũa bẩn trong thời gian dài là thói quen xấu cần loại bỏ. (Ảnh minh họa)
Thực tế bồn rửa bát là nơi trú ngụ của rất nhiều vi khuẩn. Vòi nước tại bồn rửa bát do thường xuyên tiếp xúc với tay người trong lúc nấu nướng cũng là nơi tập trung một lượng vi khuẩn lớn hơn bồn cầu đến 44 lần. Do đó nếu ngâm bát đĩa bẩn trong nước hoặc để ngoài ở nhiệt độ phòng, sẽ rất thích hợp để các vi khuẩn nguy hiểm như E.coli, Salmonella… sinh sôi nhanh chóng.
Kết quả của một nghiên cứu cho thấy, nếu lượng vi khuẩn ban đầu trong chén bát là 1.000 con thì sau khi ngâm trong nước khoảng 10 tiếng, nó sẽ nhân lên gấp 70 lần, tương đương 70.000 con.
Với tốc độ sinh sôi nhanh chóng, các vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập vào đũa bát, các vật dụng nấu nướng hoặc bất kỳ thứ gì, lúc này dù rửa sạch nhiều lần cũng chưa chắc loại bỏ hết vi khuẩn. Thường xuyên sử dụng bát đũa nhiễm vi khuẩn, hệ tiêu hóa sẽ phải chịu các tổn thương nghiêm trọng. Nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, thậm chí ung thư cũng vì thế tăng lên.
Không thay mới miếng rửa bát thường xuyên
Do môi trường ẩm ướt, lại là nơi tiếp xúc với các mẩu thức ăn còn sót lại ngày này qua ngày khác nên một miếng rửa bát có thể là ổ vi khuẩn nếu không được thay thế thường xuyên. Nếu dùng miếng rửa bát không sạch, vô tình bạn đang giúp vi khuẩn bám vào bát đĩa ngay khi đang cố làm sạch chúng, có thể coi như “càng rửa càng bẩn”.
Vì thế tốt nhất nên giặt kỹ miếng rửa bát 1 lần 1 tuần và thay 1 lần 1 tháng, nếu thấy hôi thì nên vứt bỏ luôn. Sau khi rửa bát xong, cần vắt khô miếng rửa bát, để nơi thoáng gió. Bên cạnh đó tất cả các loại khăn, giẻ dùng trong nhà đều cần phân loại riêng biệt, không sử dụng lẫn lộn mục đích.
Rửa bát sai cách
Rửa bát là công việc đơn giản, gần như ai cũng biết, thế nhưng nhiều người vô tình mắc một số sai lầm trong khi rửa bát tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, cụ thể là:
-Xếp lẫn lộn bát đĩa bẩn lên nhau
Việc này tuy giúp bát đĩa gọn hơn nhưng lại khiến vết dầu bẩn dễ lan sang bát khác, làm trầm trọng hơn tình trạng nhiễm khuẩn chéo. Tốt nhất khi rửa bát nên để riêng bát đũa, đồ nhiều dầu mỡ sang một bên, tráng qua nước nóng để loại bỏ vết dầu trước khi rửa.
-Không rửa kỹ, để sót bọt nước rửa bát
Rửa không hết bọt nước rửa bát có thể gây tích tụ các chất hóa học gây hại đến sức khỏe. (Ảnh minh họa)
Khi rửa bát, nhiều người vì vội vàng mà chỉ tráng sơ qua với nước, kết quả là có thể một lượng nước rửa bát nhất định vẫn còn sót lại. Mặc dù điều này không quá đe dọa đến sức khỏe ngay lập tức nhưng chắc chắn sẽ gây nhiều rắc rối nếu tích tụ lâu ngày.
Bên cạnh đó bạn nên lau bát đũa sau khi rửa bằng khăn khô hoặc phơi dưới nắng để tránh nấm mốc phát triển, sản sinh aflatoxin độc tố có khả năng gây ung thư gan. Cũng không nên quá lạm dụng các chất tẩy rửa mạnh hoặc các chất có tác dụng làm sạch như baking soda hay axit citric để tránh làm hỏng chất liệu của một số loại vật dụng trong nhà bếp.
- Không bao giờ tiệt trùng bát đĩa, đũa
Nhiều người vẫn cho rằng không cần thiết phải tiệt trùng bát đĩa nhưng để đảm bảo sức khỏe bạn vẫn nên thận trọng và làm việc này định kỳ. Nếu không có tủ khử trùng chuyên dụng, bạn có thể đun sôi một nồi nước, thả bát đĩa, đũa vào và nấu sôi trong 10 phút.
Lưu ý với bát đũa mới mua nên đun sôi trong 30 phút để khử trùng trước khi sử dụng. Một số loại bát đũa không sạch, lâu ngày không sử dụng có thể dùng giấm hoặc nước trà, ngâm trong 30 phút để khử sạch mùi hôi và mảng bám cứng đầu.